Đón sóng nâng hạng, doanh nghiệp nhộn nhịp kế hoạch lên sàn
Sau giai đoạn im ắng do thị trường chứng khoán suy yếu, nhiều doanh nghiệp đã triển khai đăng ký niêm yết, chuyển sàn, hứa hẹn một giai đoạn nhộn nhịp mới.
Về kế hoạch niêm yết lần đầu, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 45 triệu cổ phiếu của CTCP Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia (Royal Invest JSC) với mã chứng khoán RYG.
Trước đó, tháng 10/2023, Royal Invest JSC chào bán thêm 9 triệu cổ phiếu ra bên ngoài, tương ứng 20% vốn điều lệ với giá 15.000 đồng/cp, để huy động 135 tỷ đồng. Sau chào bán cổ phiếu, công ty tăng vốn điều lệ từ 360 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, đồng thời thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE.
Royal Invest JSC hiện sở hữu hai nhà máy với 5 dây chuyền sản xuất gạch có công suất 16,5 triệu m2/năm. Doanh nghiệp hình thành được hệ thống phân phối nội địa gồm 14 kho hàng và hơn 3.000 đại lý trải dài khắp Việt Nam, xuất khẩu hơn 14 quốc gia trên thế giới.
Ngày 20/5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn chấp thuận hồ sơ đăng ký đại chúng của CTCP BCG Energy, thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG). Việc đăng ký công ty đại chúng là một phần trong kế hoạch IPO của BCG Energy, với dự kiến lên sàn UPCoM trong quý 2 năm nay.
BCG Energy được thành lập vào năm 2017, là công ty phụ trách mảng năng lượng của Bamboo Capital. Hiện nay, BCG Energy có vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng. Công ty đang vận hành khoảng 600 MW điện mặt trời.
Tháng 3/2024, HoSE nhận hồ sơ niêm yết 330 triệu cổ phiếu CTCP Chứng khoán DNSE, với mã DSE. Trước đó, hồi cuối tháng 1/2024, DNSE chào bán thành công 30 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 30.000 đồng/cp, thu về hơn 900 tỷ đồng. Đợt chào bán giúp công ty nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.300 tỷ đồng.
Được thành lập vào năm 2007 với tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Nam, DNSE chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sau khi trở thành công ty con của CTCP Công nghệ Tài chính Encapital vào năm 2020, DNSE liên tục tăng vốn mạnh, lọt top công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng gấp 104 lần so với thời điểm năm 2020, từ 2,2 tỷ đồng lên 229 tỷ đồng.
Bất động sản CRV cũng có kế hoạch lên sàn trong thời gian tới, với mã chứng khoán CRV. Tuy nhiên công ty mới thông báo sẽ rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu (nộp từ năm 2022) để cập nhật và kiện toàn hồ sơ theo các số liệu mới nhất… Doanh nghiệp dự kiến nộp hồ sơ trong tháng 6/2024.
CRV là một thành viên của Tập đoàn Huy Hoàng (Huy Hoàng Group). Công ty này được thành lập năm 2006, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển bất động sản.
Đầu tháng 12/2023, 25 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn cơ khí công nghệ cao Siba (Siba Group) chính thức giao dịch trên sàn HoSE với mã chứng khoán SBG. Đây là một trong những công ty cơ khí công nghệ cao đầu tiên niêm yết trên sàn.
Cũng trong tháng cuối năm 2023, 460 triệu cổ phiếu BCR của CTCP BCG Land bắt đầu giao dịch trên UPCoM. Đây cũng là công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
CÔNG TY CON THEO MẸ LÊN SÀN
Hàng loạt các doanh nghiệp đã niêm yết cũng có kế hoạch đưa công ty con lên sàn trong thời gian tới. Dù chưa “văn bản hóa” bằng các tờ trình, kế hoạch IPO công ty con Chăn nuôi Gia Lai đã được ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đánh tiếng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Theo ông Đức, Chăn nuôi Gia Lai so với các công ty niêm yết hiện tại như Dabaco, BAF… thì không hề thua kém về giá trị, tài sản.
Vinpearl - “ông lớn” du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hứa hẹn sẽ là cái tên nổi bật của sàn chứng khoán Việt Nam. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cho biết đang thực hiện các thủ tục để Vinpearl chào sàn. Thời điểm niêm yết thành công được kỳ vọng là ngay cuối năm nay.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) dự kiến IPO Nhựa Hoa Sen - công ty con phụ trách mảng nhựa và ống thép, dự kiến trong thời gian từ năm 2024 đến năm 2026. Sau BCG Energy, Bamboo Capital tiếp tục có ý định tăng vốn điều lệ cho Bảo hiểm AAA để niêm yết trên UPCoM...
Cùng với hoạt động niêm yết mới, hoạt động chuyển sàn cũng khá nhộn nhịp. CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, MCM) vừa được cơ quan quản lý chấp thuận chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE. Chứng khoán DSC (mã DSC), Điện lực Gelex (Gelex Electric, mã GEE) cũng đã nộp hồ sơ xin chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE. Tập đoàn Masan (mã MSN) có kế hoạch IPO và niêm yết CTCP Hàng tiêu dùng Masan (mã MCH, sàn UPCoM) trên HoSE...
Với vai trò là “hàng hóa” trên sàn chứng khoán, sự xuất hiện của các “tân binh”, nhất là nhóm doanh nghiệp lớn có quy mô lớn, là điều cốt lõi để phát triển thị trường bền vững. Việc các doanh nghiệp sôi nổi trong hoạt động niêm yết ở thời điểm hiện tại cũng là thức thời, đón đầu cơ hội nâng hạng thị trường. Thực tế, dòng vốn dự kiến đổ thêm vào thị trường chứng khoán từ câu chuyện nâng hạng cũng chỉ có thể được tận dụng nếu nhà đầu tư tìm thấy cơ hội để “xuống tiền”.