Đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách

Với mô hình tổ chức, phương thức quản lý ưu việt, mạng lưới mở rộng đến tất cả các xã, thị trấn, 20 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường luôn đồng hành, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay tiền phục vụ học tập; hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất... Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường, gia đình chị Nguyễn Thị Phương, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh đầu tư nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trà Hương

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường, gia đình chị Nguyễn Thị Phương, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh đầu tư nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trà Hương

Thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, hằng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường thường xuyên được kiện toàn, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp hoạt động tín dụng chính sách đi vào nền nếp, chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao.

UBND huyện đã chỉ đạo thành lập 28 điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại các xã, thị trấn; thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hằng tháng (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật); các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH đều được niêm yết công khai.

Để thực hiện hiệu quả công tác cho vay ủy thác thông qua các hội, đoàn thể, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn 355 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại 178 thôn, khu dân cư với gần 12.400 thành viên, trong đó có 93,8% tổ TK&VV xếp loại tốt.

Các tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn vay thuận lợi

Đã có hơn 21.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn; gần 10.000 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; tạo việc làm cho hơn 6.200 lao động và hơn 14.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo gần 60.300 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 600 ngôi nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ 56 hộ xây mới, cải tạo và mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ...

Vốn tín dụng chính sách không chỉ góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn mà còn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy, giúp hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Một số hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tín dụng chính sách đã phát triển sản xuất, thoát nghèo, điển hình như hộ chị Lưu Thị Nấm, thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá. Trước đây, gia đình chị Nấm thuộc diện hộ nghèo, năm 2019, gia đình chị được vay 70 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò. Nhờ chăm chỉ và chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi ở địa phương, năm 2021, gia đình chị Nấm đã thoát nghèo.

Hộ bà Phùng Thị Chung, thôn Kim Xa, xã Vĩnh Ninh thuộc hộ nghèo; năm 2016, gia đình bà vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH mua 2 con bò sinh sản; đến năm 2018 gia đình bà đã thoát nghèo. Năm 2019, gia đình bà tiếp tục được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để cải tạo chuồng trại và mua thêm bò giống. Hiện nay, gia đình bà thường xuyên có 3 - 4 cặp bò cho thu nhập ổn định.

Đồng chí Hoàng Tuấn Tam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường cho biết: "Những kết quả đạt được trong 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ khoảng 6 triệu đồng năm 2002 lên 54 triệu đồng cuối năm 2021; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối giai đoạn 2016-2021 xuống còn 1,55%; đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện".

Mai Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82093/dong-hanh-cung-nguoi-ngheo-va-cac-doi-tuong-chinh-sach.html