Động lực từ phát triển du lịch - Bài 2: Phát triển du lịch thúc đẩy sản xuất hàng hóa

Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp gắn với tiềm năng, lợi thế; gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống và danh lam thắng cảnh, đẩy mạnh phát triển hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bài 1: Quy hoạch và phát triển hạ tầng du lịch

Giá trị lịch sử, văn hóa được phát huy

Phát triển du lịch là phải tạo ra sự khác biệt, độc đáo, cái mà nơi khác không có. Tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm du lịch khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh, đó là du lịch lịch sử, văn hóa với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa)... Hiện toàn tỉnh có 635 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, được ví như “bảo tàng cách mạng” của cả nước, là địa chỉ đỏ về nguồn của nhân dân cả nước và điểm đến của du khách nước ngoài.

Du khách tìm hiểu sản phẩm du lịch của huyện Lâm Bình tại Lễ hội Thành Tuyên 2019.

Du khách tìm hiểu sản phẩm du lịch của huyện Lâm Bình tại Lễ hội Thành Tuyên 2019.

Giá trị văn hóa các dân tộc được phát huy, trong đó nhiều lễ hội đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của tỉnh, điển hình là Lễ hội Thành Tuyên không chỉ nổi tiếng trong nước mà được đông đảo bạn bè quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc được phát huy giá trị như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình); Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa, Lâm Bình, Tân Trào (Sơn Dương) đã thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan. Giá trị văn hóa các dân tộc như hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày; hát Páo dung, cấp sắc của dân tộc Dao, khèn Mông, Sình ca của dân tộc Cao Lan và những nếp nhà sàn cổ của các dân tộc được bảo tồn, phát huy giá trị, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy các sản phẩm du lịch phát triển như du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Hàng năm, tỉnh ta đã đón lượng khách hành hương, chiêm bái chùa chiền, khẳng định được thương hiệu “vùng đất thiêng”, “miền đất mẫu”. UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch tâm linh nhằm đưa du lịch tâm linh Tuyên Quang trở thành trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Từ các sản phẩm du lịch gắn liền với lịch sử, văn hóa đặc sắc xứ Tuyên đã kết nối với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, du lịch cộng đồng homestay. Hiện các huyện, thành phố đã xây dựng và hình thành một số điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm như điểm du lịch cộng đồng Nà Tông, xã Thượng Lâm; Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình); Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang); Tân Lập, Tân Trào (Sơn Dương)…

Đông đảo du khách tham gia Lễ hội Thành Tuyên năm 2019. Ảnh: K.T

Đông đảo du khách tham gia Lễ hội Thành Tuyên năm 2019. Ảnh: K.T

Động lực thúc đẩy phát triển sản xuất

Với nhiều sản phẩm du lịch hình thành đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa của tỉnh ngày càng phát triển, mang lại giá trị cao hơn cho người dân.

Tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh như vùng sản xuất cam hơn 8.000 ha, bưởi 4.000 ha, chè 8.000 ha và trên 140.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ nguyên liệu, vùng chăn nuôi cá đặc sản và các sản vật địa phương. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm, xây dựng, sản xuất chế tạo các sản phẩm, quà tặng, hàng lưu niệm du lịch, ẩm thực truyền thống mang thương hiệu Tuyên Quang. Đồng thời, phát triển các sản phẩm công nghiệp và nghề truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện, tỉnh đã có nhiều sản phẩm độc đáo phục vụ du lịch như mật ong Tuyên Quang, cơm lam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ tre nứa ở thành phố Tuyên Quang và huyện Lâm Bình, cá, gà, lợn đen đặc sản, chè Shan tuyết… Tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm nông lâm sản để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao phục vụ du lịch như chè Shan tuyết, các sản phẩm từ cam đang được sản xuất thử nghiệm tại Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên… Các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất tiêu chuẩn hóa sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đến nay đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Thắng cảnh hồ sinh thái (Na Hang - Lâm Bình) thu hút khách du lịch. Ảnh: Cảnh Trực.

Thắng cảnh hồ sinh thái (Na Hang - Lâm Bình) thu hút khách du lịch. Ảnh: Cảnh Trực.

Phát triển các sản phẩm du lịch góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn cho người dân. Đây là điều kiện quan trọng để Tuyên Quang thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bảo đảm du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thành Công

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/dong-luc-tu-phat-trien-du-lich-bai-2-phat-trien-du-lich-thuc-day-san-xuat-hang-hoa-137458.html