Dự án Cụm Công nghiệp Phố Ràng 'treo' 12 năm: Người dân bức xúc - doanh nghiệp trông ngóng

Được phê duyệt từ năm 2007, Dự án Cụm Công nghiệp Phố Ràng (Bảo Yên) bị 'treo' khiến người dân trong vùng quy hoạch ngày càng bức xúc, còn doanh nghiệp thì mỏi mòn trông chờ việc hoàn thiện để ổn định tổ chức sản xuất. 12 năm là quãng thời gian dài để triển khai một dự án, điều đáng nói là đến nay vẫn chưa thể xác định thời hạn 'treo' tới khi nào.

Người dân bức xúc

Theo chân ông Nguyễn Văn Đồng, Tổ trưởng tổ dân phố 9B, thị trấn Phố Ràng, chúng tôi tới gia đình anh Mạc Văn Nhuần và vợ là chị Hoàng Thị Cánh. Khi chúng tôi đến, vợ chồng anh Nhuần đang đi làm, chỉ có mẹ đẻ anh Nhuần ở nhà trông 2 cháu nhỏ.

Người dân bức xúc khi Dự án Cụm Công nghiệp Phố Ràng (Bảo Yên) bị “treo”.

Người dân bức xúc khi Dự án Cụm Công nghiệp Phố Ràng (Bảo Yên) bị “treo”.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà - nơi gia đình anh Nhuần sinh sống nhiều năm - đã ọp ẹp, xiêu vẹo, tường nhà trát vữa xi măng cốt tre, một số cột trên tường mục ruỗng. Vậy nhưng gia đình anh Nhuần vẫn không được phép xây dựng nhà mới vì đất thuộc diện quy hoạch Dự án Cụm Công nghiệp Phố Ràng. “Nhà tạm, việc sửa chữa, nâng cấp cũng khó nên gia đình tôi đành để vậy, gặp hôm gió to quá thì chạy sang hàng xóm náu nhờ. Nhà xuống cấp, tôi sợ nhất là rắn bò vào, có mấy lần rắn chui cả lên chạn bát”, mẹ anh Nhuần cho biết.

Giáp bờ giậu nhà anh Nhuần là nhà ông Lương Tiến Độ, 64 tuổi. Ông Độ cho biết, nhà ông cũng nhận được thông báo nằm quy hoạch của dự án cụm công nghiệp từ khi các con mới đang tuổi thiếu niên, đến nay, 3 người con đều đã trưởng thành mà dự án vẫn chưa đầu tư xây dựng. Quy hoạch “treo” khiến gia đình ông Độ có 4 cặp vợ chồng với 16 nhân khẩu đang phải ở chung một khu nhà, chung một miếng đất. Chật chội, bức bí nhưng ông chẳng biết làm thế nào, chỉ nêu ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Thỉnh thoảng, ông lên trụ sở UBND thị trấn hỏi, nhưng thị trấn lại bảo chờ cấp trên.

Những người hàng xóm của ông Độ là ông Hoàng Văn Sơn, ông Phan Bá Quân khi thấy có phóng viên đến cũng tới cung cấp thông tin. Người dân ở đây cho rằng, mang tiếng là công dân đô thị ở ngay trung tâm huyện mà để được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, dân phải tự đầu tư đường ống; điện lưới quốc gia cũng phải mua dây, tự chôn cột vì thuộc khu quy hoạch nên đơn vị cung cấp dịch vụ ngừng đầu tư. Cũng do là khu quy hoạch mà huyện đã bố trí mấy xưởng sản xuất ngay sát nhà dân gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi, khói và đặc biệt có xưởng chế biến tinh bột sắn đang hằng ngày, hằng đêm bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân khổ sở.
Tương tự, ông Đỗ Xuân Phong, Tổ trưởng tổ dân phố 8C, thị trấn Phố Ràng cũng chia sẻ: Một số hộ thuộc tổ dân phố này trước đây bị thu hồi đất, được nhận đền bù và đã ổn định cuộc sống ở nơi mới. Hiện tổ còn khoảng 10 hộ thuộc diện nằm trong khu quy hoạch xây dựng Cụm Công nghiệp Phố Ràng, những hộ này đang rất bức xúc vì ngoài việc bị ảnh hưởng từ các cơ sở công nghiệp đang sản xuất, trong nhiều năm qua, họ còn mất quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được cho, tặng (tách bìa đỏ) và xin giấy cấp quyền sử dụng đất cho con cái, người thân, không thể tách hộ khẩu, đặc biệt là không được xây dựng nhà cửa; việc tổ chức sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi cũng gặp khó khăn.

Doanh nghiệp trông ngóng

Ông Mai Đình Tính, Chủ tịch UBND thị trấn Phố Ràng cho biết: Năm 2018, nguồn thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 21 tỷ đồng, chiếm 15,2% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của địa phương, gấp 2 lần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Về Cụm Công nghiệp Phố Ràng, các doanh nghiệp đều mong quy hoạch chi tiết sớm được triển khai trên thực tế để tham gia đầu tư, với các doanh nghiệp đã có mặt ở đây thì có điều kiện tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở sản xuất - kinh doanh. Cụm Công nghiệp Phố Ràng đang có 4 cơ sở sản xuất đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng, nhưng chỉ có 3 cơ sở đi vào hoạt động dù vẫn thiếu rất nhiều điều kiện như đường giao thông, hệ thống cấp - thoát nước, điện sản xuất...

Ngổn ngang, lộn xộn, xen lẫn hộ dân với cơ sở sản xuất là những gì đang có ở Dự án Cụm Công nghiệp Phố Ràng.

Ngổn ngang, lộn xộn, xen lẫn hộ dân với cơ sở sản xuất là những gì đang có ở Dự án Cụm Công nghiệp Phố Ràng.

Ông Vương Khánh Trình, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bảo Yên cho biết: Ước kết quả sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn của huyện trong năm 2019 đạt 280 tỷ đồng, vượt 33% mục tiêu Đề án của Huyện ủy đề ra đến cuối năm 2020. Các sản phẩm chủ lực của công nghiệp huyện Bảo Yên là vật liệu xây dựng (cát, đá xây dựng) và sản phẩm từ chế biến nông - lâm sản (sản xuất tinh dầu quế, viên nén gỗ mùn cưa, ván bóc). Tiềm năng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Bảo Yên còn rất lớn, tốc độ tăng trưởng của ngành cũng đạt mức khá trong thời gian qua nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn phân bố rải rác, ảnh hưởng đến công tác quản lý, kiểm soát môi trường, trong khi doanh nghiệp thì thiếu cơ hội liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp tại thị trấn Phố Ràng và các xã lân cận mong muốn được đầu tư tại Cụm Công nghiệp Phố Ràng có sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng hạ tầng và tạo mặt bằng dự án.

Được biết, Cụm Công nghiệp Phố Ràng được phê duyệt quy hoạch từ năm 2007, đến cuối 2017, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cho Dự án này tại Khu 9, thị trấn Phố Ràng với tổng diện tích 31,01 ha. Trong 12 năm qua, cụm công nghiệp này mới nhận được nguồn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để kiến thiết bản quy hoạch, xây dựng 500 m đường nội bộ và hệ thống điện lưới sản xuất (thực tế công trình điện cho dự án khai thác mỏ Graphit) và đền bù, di chuyển một số hộ ra khỏi vùng quy hoạch.

Ngoài mặt bằng sản xuất của 4 dự án do doanh nghiệp tự tạo ra, Cụm Công nghiệp Phố Ràng đến nay còn 29,5 ha đất chưa được sử dụng và diện tích này vẫn ở trong dân, chưa được giải phóng. Ngoài ra, Cụm Công nghiệp Phố Ràng còn thiếu 4 tuyến đường giao thông nội bộ, hệ thống điện lưới, cấp, thoát nước... Khái toán nguồn lực cho các hạng mục này khoảng 135 tỷ đồng, trong đó 45 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, 30 tỷ đồng để san tạo mặt bằng, 32 tỷ đồng làm đường giao thông, 10 tỷ đồng xây dựng đường điện.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự án này, ông Hồ Cao Khải, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Việc triển khai đầu tư Cụm Công nghiệp Phố Ràng sẽ giúp địa phương nắm bắt thời cơ, khai thác thế mạnh, tạo sự đột phá để tăng trưởng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong khi nguồn lực của địa phương, của doanh nghiệp hạn chế thì huyện rất cần tỉnh hỗ trợ và đầu tư tập trung, đồng bộ.

Ông Khải cũng cho rằng, về cơ chế, tỉnh cần có sự đổi mới, phân cấp chủ đầu tư cho phù hợp, sát thực yêu cầu phát triển của địa phương.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/du-an-cum-cong-nghiep-pho-rang-treo-12-nam-nguoi-dan-buc-xuc-doanh-nghiep-trong-ngong-z5n20191120090025354.htm