Dự luật quản lý ngoại thương: Cơ chế xin- cho được lặp lại?
'Luật quản lý Ngoại thương phải nhằm mục đích đẩy nhanh được hoạt động xuất khẩu của chúng ta, bởi kim ngạch xuất khẩu của chúng ta hiện nay chiếm trong GDP lên tới khoảng 70% -80% GDP', đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhấn mạnh.
Sáng 27/10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý Ngoại thương.
ĐB Vũ Tiến Lộc chia sẻ quan điểm về Luật quản lý Ngoại thương (Ảnh: Nam Nguyễn)
Chia sẻ với báo giới về việc này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Việt Nam vốn đã có luật Thương mại 2005, nhưng khi Việt Nam chính thức ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ đầu năm 2007 thì vẫn thiếu 1 bộ luật để định hướng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu.
Vì thế sự ra đời của Luật Ngoại thương phải làm thế nào phải đạt được các mục tiêu như: Đưa Luật quản lý Ngoại thương của Việt Nam hội nhập với quốc tế; Tuân thủ các điều ước, điều khoản mà chúng ta đã ký kết với các tổ chức quốc tế như WTO, FTA...
“Ngoài ra, Luật quản lý Ngoại thương phải nhằm mục đích đẩy nhanh được hoạt động xuất khẩu của chúng ta, bởi kim ngạch xuất khẩu của chúng ta hiện nay chiếm khoảng 70% -80% GDP, và kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm trên 160%-170% GDP. Với Luật này, khi hoàn thiện sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập cũng như giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn ra quốc tế dễ dàng hơn”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong dự thảo của Luật quản lý Ngoại thương lần này có một 115 điều luật, trong đó có một số điều luật nhằm phục vụ phòng vệ thương mại cũng như những vấn đề về giấy phép, tạm nhập tái xuất, hoặc cấm nhập khẩu, xuất khẩu trong những tình huống cần thiết.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (ảnh: Nam Nguyễn)
“Tôi nghĩ đây là dự thảo luật rất cần trong bối cảnh hiện nay. Trong 115 điều luật của Luật quản lý Ngoại thương cũng có một số điều khoản về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, về các loại giấy phép cần thiết cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Và kể các điều khoản về hàng rào kỹ thuật trong hạn chế nhập rác, công nghệ lạc hậu...”, đại biểu Ngân cho biết thêm.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và xuất nhập khẩu là một hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Và do vậy, yêu cầu phải có một bộ luật toàn diện để quản lý ngoại thương, để tạo khuôn khổ pháp lý, định hướng cho các hoạt động của doanh nghiệp là một yêu cầu hết sức cần thiết.
“Cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến Luật quản lý Ngoại thương. Và tôi cũng biết là các đại biểu Quốc hội cũng đang chuẩn bị những ý kiến rất tích cực để thảo luận. Tất nhiên là có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tôi hy vọng Quốc hội sẽ có những ý kiến đúng đắn để chúng ta có một khuôn khổ pháp lý vững chắc, để có thể mở đường, có thể thúc đẩy và đảm bảo một môi trường minh bạch, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động giao lưu quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình”, đại biểu Lộc cho hay.
Trước ý kiến cho rằng, nếu ban hành Luật quản lý Ngoại thương thì 40 điều trong luật Thương mại sẽ bị thay thế, đại biểu Lộc khẳng định, với việc ban hành Luật quản lý Ngoại thương thì những quy định về các hoạt động xuất nhập khẩu của các luật khác, đặc biệt các quy định hoạt động xuất nhập khẩu của Luật Thương mại sẽ được điều chỉnh, và sẽ được đưa vào Luật Ngoại thương.
“Tôi cho rằng, đây là điều hết sức cần thiết để tạo nên một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cho hoạt động ngoại thương. Chúng ta đều biết rằng, thời gian tới, ranh giới giữa các nền kinh tế sẽ bị xóa nhòa dưới tác động của hội nhập, đặc biệt là khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực.
Vì thế, khung khổ pháp lý về ngoại thương sẽ phải thay đổi để thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên cơ sở công bằng, minh bạch...”, đại biểu Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP HCM) cho rằng, mục tiêu quản lý ngoại thương là nhằm đưa việc quản lý xuất nhập khẩu đi vào “đường ray” tốt nhất, phục vụ nền kinh tế. Đi vào cụ thể, Đại biểu Đức nêu ý kiến, dự Luật phải tách phần xuất khẩu ra, bởi xuất khẩu càng thông thoáng càng tốt để đem lại lợi nhuận cho đất nước. “Tiếc là dự Luật đưa ra quy định siết cả xuất khẩu – nhập khẩu. Đáng lý nhập khẩu phải có quy định chặt để chống bán phá giá, mà dự luật lại đưa ra nhiều quy định cơ chế dễ dẫn tới xin – cho, ảnh hưởng tới sản xuất”, đại biểu Đức góp ý.
Đứng về phía doanh nghiệp, đại biểu Đức cho rằng, doanh nghiệp khi xuất nhập khẩu hàng hóa rất cần thông tin, nhưng dự Luật lại đang có một số từ ngữ “tạo quyền lực” cho Bộ Công Thương. Ví như, phải bỏ từ “chia sẻ”, và quy định thẳng bằng từ “cung cấp thông tin”. “Đơn cử như vụ xuất khẩu dưa hấu tại Lạng Sơn, phía Trung Quốc thay đổi thì hàng đoàn xe chở hàng ách tắc ở cửa khẩu, rồi đổ đi hàng loạt. Đây là ví dụ của sự thiếu thông tin cung cấp cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của Bộ Công Thương chính là chỗ này”, đại biểu Đức dẫn chứng.
Về quy định cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Đức chỉ ra, cơ quan này trước nay chủ yếu giúp người Việt Nam sang đi công tác mua hàng hóa, chứ chưa thực hiện được chức năng là “tình báo thương mại” – thu thập thông tin chính sách xuất nhập khẩu các nước để có đối sách kịp thời, giúp doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Không thể để người nông dân sản xuất hàng hóa tới khi xuất khẩu qua biên giới nhưng toàn phải đổ đi, hàng lên tới cửa khẩu rồi bị tắc không xuất được do chính sách nước bạn thay đổi.
“Chúng ta hoàn toàn bị động về thông tin, khiến người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại.... Với cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài, phải thay đổi và dự luật phải đặt ra quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể hơn với cơ quan này”, đại biểu Đức nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)./.