Dư nợ vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỉ đồng

Tính đến hết tháng 9, dư nợ cho vay tiêu dùng trên cả nước đạt khoảng 2,42 triệu tỉ đồng, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội thảo “Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”.

Tại đây, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhận định: Tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng đại chúng - những người chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, có lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo… Điều này góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến ngày 30-9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỉ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay.

“Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỉ, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế” - bà Tùng nói.

Tuy nhiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này.

Ngoài ra, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động tín dụng đen đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.

Trung tá Đỗ Minh Phương – Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đánh giá: "Hiện nay, các đối tượng tín dụng đen có xu hướng chuyển đổi sang hoạt động trên không gian mạng, số tiền giao dịch lớn hơn rất nhiều so với các thủ đoạn phạm tội truyền thống, có sự tham gia của nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau."

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân, hạn chế tín dụng đen, bà Tùng cho rằng thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng…

T.LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-no-vay-tieu-dung-dat-khoang-242-trieu-ti-dong-post703904.html