Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển nhưng quản lý chặt chẽ

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 5 nhóm chính sách mới, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Với tư duy đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Dự thảo Luật đang được kỳ vọng sẽ khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng.

Đề xuất 5 nhóm chính sách lớn

Luật Đầu tư công năm 2019 đã nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.

Công trường thi công dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối - công trình sử dụng vốn đầu tư công.

Công trường thi công dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối - công trình sử dụng vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật.

Trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi chính. Đó là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, khi xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), các tờ trình và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách tiếp cận, theo hướng thiết kế các quy định của luật lần này cởi mở, kiến tạo phát triển.

"Tư duy kiến tạo này không dễ chút nào, bởi vì vừa phải cởi mở, vừa kiến tạo phát triển, nhưng vẫn phải quản lý được", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Giảm thủ tục hành chính, loại bỏ cơ chế “xin-cho”

Điểm mới đầu tiên của Luật Đầu tư công sửa đổi lần này là thể chế hóa ngay các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho áp dụng thí điểm tại một số địa phương. Điểm mới thứ hai là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và triệt để hơn.

Ví dụ như liên quan đến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, trước đây sẽ phải báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Nhưng lần sửa đổi này, các cơ quan đã nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội, cho phép phân cấp cho Chính phủ và Thủ tướng để điều chỉnh linh hoạt, nhanh hơn và có hậu kiểm. Theo đó, sau khi điều chỉnh, sẽ phải báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để theo dõi, giám sát.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ về những điểm mới của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ về những điểm mới của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị thẩm quyền phê duyệt dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Với địa phương, kiến nghị phân cấp thẩm quyền này của Hội đồng nhân dân cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phê duyệt các chủ trương đầu tư dự án, trên tinh thần đối với các Ủy ban nhân dân có các cơ quan chức năng, có lực lượng, nguồn lực, có thể làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và phê duyệt. Đề xuất này bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ là phân cấp để địa phương tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và tự triển khai.

Điểm mới tiếp theo là nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Ở đây có nhiều điểm mới, trong đó có một điểm nhận được sự ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương, là cho phép sử dụng vốn chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư. Điểm mới này sẽ khắc phục được hạn chế lâu nay, là muốn chuẩn bị đầu tư dự án phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để có vốn chuẩn bị đầu tư.

Điểm đáng chú ý liên quan đến ODA, cũng là lần đột phá về cải thiện các quy định liên quan đến ODA, trên tinh thần quy trình của dự án ODA bám sát những quy trình của dự án trong nước, có điều chỉnh những quy trình đặc thù của ODA về đề xuất dự án hay về đàm phán giải ngân nguồn vốn ODA, phù hợp với quy định của Việt Nam cũng như quy định của nhà tài trợ nước ngoài, để cải thiện tình hình giải ngân của vốn ODA. Thời gian qua, tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp và nhiều vướng mắc phát sinh.

Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, điểm mới và cũng là điểm đột phá của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là khắc phục được một phần tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám làm của một số cán bộ khi xác định rõ thẩm quyền và quy trình thực hiện. Liên quan đến quá trình thực thi pháp luật, lần này sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ những khái niệm, thuật ngữ để các cán bộ liên quan sẽ yên tâm triển khai.

“Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) với hiệu lực đề xuất từ ngày 1-1-2025 cần được thông qua tại kỳ họp này, là để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Do việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ bắt đầu vào năm 2025, nên nếu Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này được thông qua, thì gần như toàn bộ kế hoạch 2026-2030 sẽ được áp dụng theo Luật sửa đổi, do vậy sẽ không có bước chuyển tiếp phức tạp, hoặc có các dự án phải áp dụng cả hai luật”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/du-thao-luat-dau-tu-cong-sua-doi-xay-dung-cac-chinh-sach-kien-tao-phat-trien-nhung-quan-ly-chat-che-800644