Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm: Nhìn từ khía cạnh pháp lý

Sau bài viết ''Dạy thêm, học thêm' và chính sách tiến lương giáo viên', Người Đô Thị ghi nhận ý kiến từ Luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM), thảo luận một số khía cạnh pháp lý trong Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm (từ đây gọi là Dự thảo) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan soạn thảo.

Điều 6 Dự thảo quy định việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan. Đặc biệt đối với các cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải “đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật”, tức là thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật và tùy thuộc vào hình thức đăng ký kinh doanh mà việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với mô hình doanh nghiệp) và phải nộp thuế thu nhập cá nhân (đối với môi hình hộ kinh doanh).

Đây là điểm mới so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.05.2012, quy định mức thu tiền học thêm theo thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường. Còn tại Dự thảo, cơ quan soạn thảo đề xuất mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Theo phương án này, chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp tỉnh sẽ phải được sửa đổi, bổ sung trong Luật phí và lệ phí 2015 (bổ sung vào Danh mục các khoản phí và lệ phí theo TT85/2019/TT-BTC ngày 29.11.2019 và TT 106/2021/TT-BTC ngày 16.11.2021.

Luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Dự thảo không quy định cụ thể điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy thêm, học thêm mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung, cụ thể tại Điều 3 khoản 3 như sau: “Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh mội trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm”.

Luật sư lo ngại dự thảo không bảo đảm được yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm từng được quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (Dự thảo đã bỏ quy định cụ thể về trường hợp không được dạy thêm, mà chỉ quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm và các điều kiện để tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Liên quan đến Điều 5 dự thảo quy định “Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật”, luật sư lưu ý rằng giáo viên đang là viên chức sẽ không được kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo quy định tại Điều 17 khoản 2 điểm b Luật Doanh nghiệp 2020, mà chỉ có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Theo luật sư Loan, nhà trường chỉ nên phụ đạo chọ học sinh có học lực yếu, kém. Chi phí cho hoạt động này được trích một phần từ “tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước” hằng năm theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Kết luận 91/KL-TW của Bộ Chính trị và Luật Giáo dục 2019.

Việc chưa năm nào ngành giáo dục được phân bổ đủ mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước trong suốt 10 năm qua là trách nhiệm của cơ quan dân cử. Thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hằng năm lần lượt thuộc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.

Thượng Tùng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-nhin-tu-khia-canh-phap-ly-45274.html