Đưa hoạt động du lịch phát triển đúng hướng, trúng mục tiêu

Sáng 21.12, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức hội thảo 'Triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023', nhằm tháo gỡ khó khăn, khắc phục điểm yếu trong quản lý, đưa du lịch phát triển nhanh, bền vững.

Khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt

Sau khi sắp xếp, chuyển đổi từ Tổng cục Du lịch sang mô hình, cơ cấu mới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vẫn kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Du lịch theo quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thậm chí, Chánh Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Ngô Hải Dương cho biết, Cục còn được bổ sung các nhóm nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển du lịch “đúng hướng, trúng mục tiêu”.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam được bổ sung các nhóm nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam được bổ sung các nhóm nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu, phối hợp tham mưu ban hành một số chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch. Theo đó, tổng số khách du lịch quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Hình ảnh Du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” lần thứ 4. Tại Lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" và nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam nhận nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác.

Tuy vậy, công tác quản lý vẫn tồn tại một số hạn chế. Một nguyên nhân được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra là do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có phạm vi hoạt động và tính chất, quy mô gồm nhiều thành phần. Một số quy định, chính sách, văn bản quản lý nhà nước chưa thống nhất, đặc biệt là đối với hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chất lượng cao. Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới, một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tại hội thảo, đại diện các địa phương đã trao đổi, thảo luận, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại hội thảo

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại hội thảo

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, việc công nhận 8 khu, điểm du lịch trên địa bàn gần đây đã giúp du lịch Hà Nội xây dựng thương hiệu riêng, đặc sắc, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị của điểm đến, nhanh chóng phục hồi du lịch.

Sở Du lịch Hà Nội cũng chủ động chủ trì, phối hợp xây dựng các kế hoạch cụ thể hình thành các tuyến du lịch, các mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn kiểu mẫu, đặc biệt lập đề án nâng cấp tuyến du lịch.

Nhằm tăng đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch, ngoài triển khai tổ chức điều tra tổng thể tài nguyên du lịch, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất xem xét đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia 4 địa điểm tiềm năng, gồm: khu du lịch Ba Vì, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), khu du lịch Khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, để tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên đề xuất đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước, xác định phát triển du lịch là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung khôi phục và phát triển. Chú trọng điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hội nhập.

Để làm tốt công tác quản lý về du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đẩy mạnh phát triển điểm đến, cơ sở lưu trú, góp phần phục hồi nhanh, mạnh du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Phạm Duy Phong cho biết, tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, danh thắng Tràng An... Sở đã phối hợp thực hiện quy hoạch, sắp xếp các dịch vụ nhằm tạo thuận tiện cho khách tham quan.

Du khách tham quan Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Thu Hoài

Du khách tham quan Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Thu Hoài

Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Cung Quỳnh Anh thông tin, với mục tiêu đưa du lịch Khánh Hòa thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ưu tiên và khuyến khích mọi nguồn lực tham gia đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, các điểm vui chơi giải trí; phát triển du lịch thông minh, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, phát triển du lịch Khánh Hòa gắn kết vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, mở rộng quy mô các cảng hàng hóa...

Tin và ảnh: Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/dua-hoat-dong-du-lich-phat-trien-dung-huong-trung-muc-tieu-i354967/