'Đưa trường học đến thí sinh' năm 2021 tại Bình Thuận: Quan tâm ngành 'hot' và nguồn nhân lực

Học sinh thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận khiến các chuyên gia tuyển sinh bất ngờ khi đặt những câu hỏi về ngành nghề rất cụ thể và sắc sảo, chứng tỏ học sinh đã có sự tìm hiểu ngành nghề kỹ càng

Sáng 25-4, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2021 do Báo Người Lao Động phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Thuận tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bình Thuận.

Nhiều câu hỏi hay, bất ngờ

Thời tiết nắng nóng và oi bức từ sáng sớm không ngăn được bước chân hơn 1.700 học sinh (HS) đến từ các trường THPT Lý Thường Kiệt, THPT Nguyễn Huệ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã La Gi đến tham dự ngày hội tư vấn.

Theo đánh giá của các thành viên ban tư vấn, HS thị xã La Gi khiến các chuyên gia tuyển sinh thực sự bất ngờ về độ "chín" trong việc tìm hiểu ngành, nghề.

Một HS lớp 12 Trường THPT Lý Thường Kiệt đặt câu hỏi "Cùng là ngành công nghệ thông tin nhưng chương trình đào tạo ở 2 trường ĐH Bách khoa TP HCM và ĐH Khoa học Tự nhiên khác nhau thế nào"? Theo ThS Trần Vũ, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), hiện nay các trường thuộc ĐHQG TP HCM đều có đào tạo nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin. Mỗi trường có một thế mạnh khác nhau. Tuy nhiên, dù ở trường nào thì mặt bằng kiến thức nền tảng đều chung như nhau, như kiến thức lập trình, an toàn máy tính... Ở Trường ĐH Bách khoa TP HCM, sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin sẽ có bằng kỹ sư. Trong khi đó, ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sinh viên khi tốt nghiệp sẽ là cử nhân máy tính.

Tại chương trình tư vấn ngày 25-4, một lần nữa những ngành học "hot" tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của HS tỉnh Bình Thuận. Nhiều HS hỏi về ngành marketing, trong bối cảnh ngành cần nhiều nhân lực và tính cạnh tranh cao, liệu các trường có xem xét tăng chỉ tiêu đào tạo?

Một HS đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ hỏi: Em muốn thi vào ngành marketing của Trường ĐH Mở TP HCM có khó đậu không? Theo ThS Nguyễn Bảo Thành, giảng viên Khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP HCM, trường có ngành marketing cùng với ngành tài chính ngân hàng là 2 ngành rất "hot". TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, tư vấn thêm: Đây là ngành học không chỉ làm công hưởng lương mà còn có thể tự tạo ra việc làm. Căn cứ lực học theo tổ hợp xét tuyển, nếu điểm 3 môn trên 24 điểm thì có thể vào Trường ĐH Kinh tế Luật, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Kinh tế TP HCM; nếu điểm từ 19-23 thì có Trường ĐH Tài chính - Marketing; nếu ở trong khoảng 15-16 điểm thì có Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Trong khi đó, trước câu hỏi về tăng chỉ tiêu đào tạo, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết nhà trường không vì nhu cầu mà tăng chỉ tiêu, vì còn phải bảo đảm chuẩn đầu ra cho sinh viên. Đúng là mức độ cạnh tranh ngành này rất cao. Với ngành marketing, trường có chương trình đào tạo đại trà, chương trình chất lượng cao, chương trình quốc tế, chương trình liên kết quốc tế. Tùy chương trình mà có những chuẩn đầu ra và chương trình giảng dạy khác nhau.

HS Trường THPT Lý Thường Kiệt hỏi: Ngành luật quốc tế có khác gì ngành luật nói chung? Cơ hội việc làm của 2 ngành này ra sao? ThS Nguyễn Võ Song Toàn, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, trả lời: Ngành luật có nhiều chuyên ngành khác nhau, mỗi chuyên ngành có định hướng nghề nghiệp khác nhau. Trong 2 năm đầu, sinh viên được cung cấp kiến thức chung về pháp luật, năm 3, năm 4 mới đi sâu vào chuyên ngành.

Học sinh thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: TẤN THẠNH

Cơ hội việc làm cho ngành tâm lý

Hàng ngàn HS tại buổi tư vấn vỡ òa khi một HS lớp 12A5 Trường THPT Lý Thường Kiệt hỏi: Hiện nay, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin... đều rất "hot" và cơ hội việc làm nhiều. Vậy ngành tâm lý học còn có cơ hội không? TS Lê Thị Thanh Mai tư vấn hiện nay có nhiều trường cùng đào tạo ngành tâm lý. HS tùy vào năng lực và sở thích của bản thân để chọn các chuyên ngành như tâm lý giáo dục, tâm lý học tội phạm hoặc cũng có thể là tham vấn tâm lý. TS Lê Thị Thanh Mai khẳng định xã hội càng hiện đại, máy móc thay thế thì tâm lý con người càng phải được quan tâm, chú ý. Vì vậy, trong tương lai, ngành tâm lý chắc chắn sẽ lên ngôi.

Nhiều câu hỏi khác lại đặt vấn đề là nếu không giỏi ngoại ngữ và có thiên hướng về các môn xã hội thì có cơ hội việc làm không? Trường ĐH Thái Bình Dương có bao nhiêu phương thức xét tuyển? ThS Võ Minh Hiệp, điều phối tuyển sinh Trường ĐH Thái Bình Dương, trả lời: Trường hiện nay có 3 phương thức xét tuyển: một là sử dụng học bạ; hai là dùng kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT; ba là từ học bạ và những thành tích các bạn đạt được.

Nếu chưa xác định được tương lai cũng như không giỏi ngoại ngữ thì giai đoạn đầu, ngay từ lúc bước chân vào giảng đường, các em phải bắt đầu từ sự cố gắng. Chỉ có cố gắng, không ngừng học hỏi thì các em sẽ dần đạt được những mơ ước của mình.

HS Duy Phú, Trường THPT Lý Thường Kiệt, hỏi: Công nghệ kỹ thuật ôtô có yêu cầu gì về sức học? Tương lai ngành này ra sao? TS Nguyễn Trọng Tuấn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trả lời: Ngành ôtô có nhiều ngành đào tạo. Công nghệ kỹ thuật ôtô, sinh viên được đào tạo rộng như thiết kế, bảo trì, bảo dưỡng... Bất cứ ngành nào, sinh viên cũng được thực hành, xen kẻ lý thuyết với thực hành và ngành ôtô sẽ được thực hành nhiều hơn. Nhu cầu ngành này đang rất lớn, em không phải quá lo lắng về nhu cầu việc làm.

Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2021 tại Bình Thuận đã giải đáp hàng trăm câu hỏi của thí sinh. Kết thúc chương trình, nhiều em nán lại gặp gỡ ban tư vấn để được giải đáp cặn kẽ từng câu hỏi khi mùa thi đang đến gần.

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, cho biết tại thị xã La Gi, có những HS đã mạnh dạn đăng ký ngành sư phạm mầm non và kiên quyết đi theo lựa chọn đó nhưng cũng có những em còn nhiều băn khoăn trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Nhiều em còn chưa sẵn sàng dấn thân cho những bậc học cao hơn, như bậc học ĐH. Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" đã giúp các em HS thị xã La Gi giải đáp những băn khoăn đó.

Chọn ngành để làm việc cho quê nhà

Không những đặt những câu hỏi sắc sảo, nhiều HS còn đặc biệt quan tâm đến cơ hội việc làm tại địa phương. Một học sinh đến từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã La Gi hỏi em muốn học ngành mầm non, Trường CĐ Nova (có tiền thân là Trường CĐ Bách Việt) trước đây có đào tạo ngành giáo viên, vậy giờ còn không? TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường CĐ Nova, trả lời: Hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường không còn đào tạo ngành trung cấp sư phạm mầm non nhưng hiện Trường CĐ Nova có liên kết với Trường ĐH Sư phạm TP HCM đào tạo hệ vừa học vừa làm thời gian đào tạo 3 năm.

Một học sinh khác hỏi nên học ngành nào để đóng góp nhiều cho Bình Thuận? Em muốn học du lịch, liệu ngành này có bão hòa? Theo TS Lê Thị Thanh Mai, học ngành gì trước hết phải xuất phát từ nhu cầu bản thân mình. Học ngành gì em cũng có thể đóng góp cho địa phương, đất nước vì nếu em đi sai hướng sẽ khó có đóng góp cho quê hương, đất nước. TS Trần Mạnh Thành tư vấn thêm: du lịch, lữ hành... là những ngành mà Bình Thuận đang có nhu cầu lớn về nhân lực. Tuy nhiên, cần học ngành phù hợp với bản thân.

Thư cảm ơn

Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" tại Bình Thuận cũng khép lại chuỗi chương trình tư vấn trực tiếp tại các địa phương. Chương trình sẽ tiếp tục các buổi tư vấn trực tuyến và talk show truyền hình trong thời gian tới.

Ban tổ chức chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2021 trân trọng cảm ơn UBND tỉnh Bến Tre, Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, Đài PT-TH Bến Tre, Trường THPT chuyên Bến Tre; Tỉnh ủy - UBND tỉnh Phú Yên, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, Đài PT-TH Phú Yên, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa, Phú Yên); UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường THPT Vũng Tàu (TP Vũng Tàu); UBND tỉnh Bình Thuận, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, UBND thị xã La Gi, Đài PH-TH Bình Thuận, Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận)... cùng các trường THPT và các trường ĐH, CĐ đã hỗ trợ tổ chức và đồng hành.

Cảm ơn các chuyên gia tư vấn đã sát cánh cùng chương trình để giải đáp, tư vấn cho thí sinh các tỉnh, thành.

Cảm ơn các đơn vị tài trợ: Công ty CP Phân bón Bình Điền, Trường CĐ Nova (Nova College), Công ty CP Xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines), Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) và đơn vị đồng hành Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng các đơn vị đã tham gia trao học bổng cho học sinh các tỉnh, thành.

Ban Tổ chức

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, HỖ TRỢ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dua-truong-hoc-den-thi-sinh-nam-2021-tai-binh-thuan-quan-tam-nganh-hot-va-nguon-nhan-luc-20210425220841407.htm