Đừng để giá trị đa dạng sinh học bị bỏ ngỏ

Việt Nam được xếp hạng thứ 14 trên thế giới về đa dạng sinh học và là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm. Điều đáng tiếc là nhiều loài trong số đó đang bên bờ vực tuyệt chủng.

Nếu không nỗ lực bảo tồn, nhiều loài hoang dã và vùng sinh cảnh tự nhiên sẽ dần biến mất. (Ảnh: CCD)

Nếu không nỗ lực bảo tồn, nhiều loài hoang dã và vùng sinh cảnh tự nhiên sẽ dần biến mất. (Ảnh: CCD)

Bảo tồn các loài bị đe dọa tại Hà Nội

Việc buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép là một vấn đề toàn cầu, gây ra sự suy giảm, hủy hoại của nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là một loại tội phạm xuyên quốc gia nghiêm trọng, đe dọa an ninh, thịnh vượng kinh tế, pháp quyền, các nỗ lực bảo tồn lâu dài và sức khỏe con người. Mới đây, tại Lễ khởi động dự án Bảo tồn ĐVHD, Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Debra Mosel đã nhấn mạnh vấn đề này “đặc biệt đáng báo động tại Việt Nam, nơi được coi là trung tâm tiêu thụ và buôn bán ĐVHD trái phép”.

Tại Hà Nội, nhiều loài hoang dã và vùng sinh cảnh tự nhiên đã và đang dần biến mất do quá trình đô thị hóa, phát triển không bền vững. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) nhận xét, Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai tại Việt Nam, nhưng mọi người để ý quá nhiều đến sự phát triển mà không để ý Hà Nội có những vùng sinh thái, những nơi có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Ví dụ, Thủ đô có núi Ba Vì, hệ sinh thái rừng trên núi đất ở đai thấp rất quan trọng, một trong những vùng cuối cùng còn lại ở phía Bắc Việt Nam. Hà Nội cũng có nhiều vùng đất ngập nước rất quý và đẹp như các bãi sông, đảo trên sông Hồng, vùng đất ngập nước ở Mỹ Đức... Những khu vực này cũng là nơi sinh sống nhiều loài đặc hữu, loài nguy cấp, nơi trú đông của nhiều loài di cư, bị đe dọa toàn cầu nhưng ít người biết đến. Ông cũng cho biết, Hà Nội đã đầu tư bài bản và quan tâm đến ĐVHD. Minh chứng là việc phát hiện quần thể voọc mông trắng, một loài mà trước đây không ai nghĩ còn sót lại tại Hà Nội; đến nay đã ghi nhận gần 15 cá thể, là quần thể lớn thứ 3 của loài cực kỳ nguy cấp này.

Điều đáng buồn là Thủ đô Hà Nội cũng được đánh giá là trọng điểm buôn bán, trung chuyển, tiêu thụ nhiều loài ĐVHD, với mật độ dân cư đông đúc, nhu cầu nhiều nhưng công tác tuyên truyền vẫn chưa được mạnh mẽ. Thời gian qua, có nhiều vụ việc được ghi nhận ở Hà Nội liên quan đến việc bán ngà voi, sừng tê giác,… Cạnh đó, tình trạng các quán ăn, nhà hàng buôn bán động vật rừng, chim trời, ĐVHD vẫn hoạt động nhiều ở khu vực ngoại ô. Nhằm giảm thiểu tình trạng này, dự án “Bảo tồn các loài bị đe dọa tại Thành phố Hà Nội” do Trung tâm CCD thực hiện kéo dài trong 3 năm từ 2024 - 2026. Trong đó, CCD phối hợp với các các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng, các trường học nhằm bảo đảm sự tồn tại và phục hồi của các loài ĐVHD bị đe dọa tuyệt chủng; đồng thời duy trì, bảo tồn các sinh cảnh trọng yếu ở Hà Nội.

Để rừng là “ngôi nhà bình yên” cho muôn loài

Nói về động lực thực hiện dự án Bảo tồn ĐVHD bền vững, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam (SVW) cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài hoang dã của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu sử dụng ĐVHD, dẫn đến tăng săn bắt, buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép. “Để săn bắt ĐVHD, người ta sử dụng mọi biện pháp như dùng chó săn, súng, nhưng đặc biệt là sử dụng các cái bẫy. Khi chúng tôi cùng đi tuần tra, bảo vệ rừng, đôi khi bắt gặp vài nghìn cái bẫy trên một hàng dông, dẫn đến các loài ĐVHD bị săn, treo lên. Nhiều con bị chết rữa trong rừng. Chỉ một số lượng nhỏ động vật được mang ra phục vụ nhu cầu con người. Người sử dụng ĐVHD nghĩ rằng tôi ăn một con thì người ta chỉ giết một con nhưng thực tế, họ ăn một con nhưng rất nhiều con khác đang bị giết hại”, ông Thái cho biết.

Ông Phạm Xuân Thịnh - Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) chia sẻ, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng viên chức kiểm lâm quản lý bảo vệ rừng thì công tác bảo vệ rừng hiệu quả, khiến rừng đặc dụng, khu bảo tồn trở thành ngôi nhà cho muôn loài hoang dã là một thách thức rất lớn. Trong khi đó, Vườn Quốc gia Cát Tiên có diện tích khoảng 82.000ha, rộng hơn một quốc gia như Singapore, nhưng chỉ có hơn 100 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng.

Ông Thái cho rằng các dự án bảo tồn cần tác động cả phần “gốc” và “ngọn”, như phải tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, phòng, chống buôn bán ĐVHD, thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng ĐVHD. Trong khuôn khổ dự án, SVW sẽ hỗ trợ VQG Cát Tiên và khu bảo tồn triển khai mô hình lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là người dân địa phương, hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai và các Ban Quản lý rừng tăng cường tuần tra, thúc đẩy phòng, chống tội phạm, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học. Cùng với đó, tổ chức này sẽ xây dựng các trung tâm thiên nhiên lưu động, nhằm thay đổi hành vi dài hạn, hướng tới chấm dứt sử dụng ĐHVD trái phép ở Việt Nam.

Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ 27,8 triệu USD cho Việt Nam từ năm 2016 để chống buôn bán ĐVHD, bao gồm tăng cường thực thi pháp luật, giảm nhu cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế. USAID hiện tài trợ hơn 2 triệu USD cho hai dự án: Bảo tồn ĐVHD bền vững (do SVW thực hiện) và Bảo tồn các loài bị đe dọa (do CCD thực hiện). Các dự án này sẽ hỗ trợ VQG Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Rừng đặc dụng Hương Sơn bằng cách nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, triển khai công cụ quản lý và báo cáo tuần tra (SMART), sử dụng bẫy ảnh để giám sát ĐVHD và nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng, lãnh đạo địa phương nhằm giảm tiêu thụ ĐVHD.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dung-de-gia-tri-da-dang-sinh-hoc-bi-bo-ngo-post525875.html