EU cam kết khoản tài trợ hơn 816 triệu euro để bảo vệ các đại dương
Tại hội nghị 'Đại dương của chúng ta' ở Panama, ngày 2/3, EU đã xác nhận cam kết mạnh mẽ của mình đối với công tác quản trị quốc tế về đại dương bằng cách công bố 39 cam kết hành động cho năm 2023.
Những hành động này sẽ được tài trợ từ gói tài chính trị giá 816,5 triệu euro (khoảng 864 triệu USD) của quỹ châu Âu.
Các cam kết hành động bao gồm tất cả các chủ đề: khu bảo tồn biển, ô nhiễm biển, biến đổi khí hậu, nghề cá bền vững, nền kinh tế xanh bền vững và an ninh hàng hải. Ngoài các cam kết này, Liên minh châu Âu (EU) cũng tham gia Liên minh hành động chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
EU quy định cụ thể: 1) 320 triệu euro cho nghiên cứu đại dương nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương; 2) 12 triệu euro để tạo điều kiện tiếp cận dữ liệu và sản phẩm của Copernicus (là một chương trình thu thập và cập nhật dữ liệu liên tục và chất lượng về hiện trạng Trái đất của EU) thông qua trung tâm Copernicus khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe, do Panama quản lý;
3) EU cũng sẽ phóng vệ tinh Sentinel-1C (250 triệu euro) để quan sát thời gian thực của các tảng băng trôi và băng tan ở Bắc Cực; 4) 126 triệu euro để bảo vệ đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu ở Benin, Guyana và Tanzania;
5) 24 triệu euro (giai đoạn 2022-2023) thông qua các khoản đóng góp tự nguyện trong Quỹ Hàng hải, Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản châu Âu (EMFFA), cho các hành động hỗ trợ các tổ chức khu vực quản lý nghề cá và các thỏa thuận quốc tế liên quan ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Cực và Nam Cực, cũng như ở Địa Trung Hải và Biển Đen;
6) 1 triệu euro cho cơ chế tài trợ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ cấp nghề cá. Mục đích là giúp các nước đang phát triển, thông qua hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực, thực hiện các nguyên tắc của Hiệp định WTO về trợ cấp nghề cá gây hại./.