EU chỉ trích thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung làm 'méo mó thị trường'
Cam kết của Trung Quốc trong việc tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong thỏa thuận thương mại tạm thời thu hút sự quan tâm từ các đối tác thương mại khác.
Nhóm kinh doanh hàng đầu châu Âu gọi đó là "sự méo mó thị trường" và nói rằng thỏa thuận này đã "viết lại toàn cầu hóa".
Sau khi thỏa thuận được ký kết tại Washington hôm 15/1, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) tìm cách trấn an các quốc gia khác rằng họ sẽ không phải chịu tác động của thỏa thuận. Nhưng thông điệp này không đủ để thuyết phục một số đối tác.
Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, cho biết cam kết mua hàng là "thương mại được quản lý - nghĩa là Mỹ bảo Trung Quốc những gì nên mua từ Mỹ", và sẽ dẫn đến các công ty châu Âu phải "tự hỏi chỗ của chúng tôi ở đâu".
Trung Quốc "phải đối mặt với ít sự lựa chọn nguồn cung ứng hơn, ví dụ như đậu nành từ Brazil, hoặc khí đốt từ Australia và Qatar, hoặc than từ Ấn Độ, hoặc máy bay từ châu Âu, và đây là sự bóp méo thị trường", Wuttke nói với các phóng viên ở Bắc Kinh hôm 16/1.
Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng cho biết, những lời hứa của Bắc Kinh về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường tài chính sẽ áp dụng cho các đối tác thương mại khác. Wuttke nói rằng đó là những điều "rất khích lệ" và cho thấy Trung Quốc vẫn có thể cố gắng tìm nguồn sản phẩm và dịch vụ trên toàn cầu.
"Hãy xem thỏa thuận sẽ được thực hiện như thế nào trong năm tới. Chúng ta cũng sẽ phải xem giai đoạn một sẽ tồn tại bao lâu. Đây sẽ là một công việc rất khó khăn cho cả hai bên", ông nói.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết trong hai năm tới mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, nhiều hơn so với năm 2017, bao gồm các mặt hàng sản xuất, năng lượng và nông sản.
Nhưng các nhà ngoại giao châu Âu lo ngại khối này có thể bị lép vế khi Trung Quốc tập trung vào Mỹ. Các quan chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục coi châu Âu là đối tác và đặc phái viên EU tại Trung Quốc đã được Bộ Ngoại giao nước này họp ngắn về thỏa thuận thương mại vào thứ Năm để giảm bớt lo ngại.
Các quan chức thương mại châu Âu cũng đàm phán một hiệp ước đầu tư với Trung Quốc, tìm cách thay đổi một số thực tiễn thị trường bất lợi để tạo ra một sân chơi tốt hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.
EU cũng đang tìm cách thiết lập lại mối quan hệ thương mại và đầu tư với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - sau ba năm áp dụng thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận.