ExxonMobil lên kế hoạch rời Guinea Xích đạo
Trong những tháng gần đây, nhiều công ty đa quốc gia đã công bố ý định thanh lý tài sản của họ ở châu Phi, vì lý do tài sản có tuổi thọ cao, không thu về lợi ích đáng kể cho công ty, cùng nhiều lý do khác.
Vào hôm 30/11, các nguồn tin thân cận với gã khổng lồ dầu mỏ ExxonMobil (Mỹ) đã tiết lộ: Công ty có kế hoạch loại bỏ tài sản dầu khí ở Guinea Xích đạo khi giấy phép hết hạn vào năm 2026. Cho đến lúc đó, công ty sẽ lên kế hoạch giảm khai thác tại quốc gia này.
Đây là một quyết định phù hợp với khuôn khổ các cam kết về khí hậu của công ty. Đồng thời, quyết định này cũng thể hiện mong muốn của ExxonMobil về việc giảm lượng khí thải carbon từ nay cho đến năm 2050. Theo bà Gail Anderson - Giám đốc bộ phận nghiên cứu về khu vực châu Phi cận Sahara tại Công ty nghiên cứu dữ liệu toàn cầu Wood Mackenzie (Anh), danh mục tài sản của ExxonMobil ở Guinea Xích đạo đang “tăng cao về mặt chi phí”. Đối với WoodMac, điều này góp phần lý giải thêm lựa chọn của ExxonMobil.
Thật vậy, sản lượng vàng đen do ExxonMobil sản xuất được tại Guinea Xích đạo đã đạt đỉnh vào năm 2011, với chỉ hơn 300.000 thùng/ngày. Nhưng kể từ đó, sản lượng đã có xu hướng giảm dần. Vào năm 2021, ExxonMobil chỉ sản xuất được khoảng 100.000 thùng/ngày.
Trước tình trạng trên, công ty đã nảy ra ý tưởng bán lại tài sản của họ tại Guinea Xích đạo. Chẳng hạn, vào năm 2020, tập đoàn Mỹ đã tiến hành bán cổ phần trong mỏ dầu nước sâu Zafiro thuộc lô B. Đồng thời, rút nhân viên khỏi kho chứa dầu nổi Serpentina ở khu vực lân cận.
Theo các chuyên gia, những hoạt động này là một phần của bức tranh lớn về xu hướng hiện nay trong lĩnh vực hydrocarbon ở châu Phi. Không chỉ có ExxonMobil, mà công ty đồng hương Chevron và gã khổng lồ Shell (Vương quốc Anh) cũng đã thực hiện thủ tục bán lại tài sản của họ ở khu vực châu Phi, nhất là tại Nigeria.