Financial Times cảnh báo, áp giá trần dầu Nga là một ý tưởng tồi
Tờ Financial Times của Anh cho rằng, ý tưởng áp giá trần cho dầu Nga không phải là ý tưởng tốt, thiếu thuyết phục.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa qua ở Đức, Mỹ dường như đã thuyết phục các đối tác chấp nhận đưa lựa chọn áp giá trần vào thông cáo báo chí. Bộ Tài chính Mỹ đã dành khá nhiều nỗ lực ngoại giao cho việc này.
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, đây không phải là ý tưởng tốt.
Theo tờ báo này, mục tiêu của giải pháp do Mỹ đưa ra là nhằm duy trì dòng chảy dầu của Nga nhưng chỉ khi chúng được bán với giá rẻ và do đó giúp giảm nguồn thu từ dầu của nước này và ngăn chặn việc giá dầu tăng mạnh gây ra những thiệt hại thảm khốc về kinh tế.
Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng luận điểm này thiếu thuyết phục.
Trước tiên, lệnh cấm một phần của Liên minh châu Âu (EU) đối với nhập khẩu dầu và các biện pháp trừng phạt liên quan đến bảo hiểm vận tải dầu sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Việc này dự kiến sẽ dẫn đến một đợt tăng giá dầu mới nghiêm trọng một khi các hạn chế được áp dụng.
Ở thời điểm hiện tại, những người mua và bán dầu đang định giá dầu thô Brent ở mức khoảng 98 USD/thùng giao ngay và khoảng 90 USD/thùng cho kỳ giao hàng vào tháng 12 hoặc tháng 1/2023. Trong bối cảnh các hạn chế được đưa ra, họ sẽ cố gắng định giá trước các tác động.
Như vậy, có khả năng các thương gia đã tự bảo vệ mình bằng cách đảm bảo nguồn cung dầu trong tháng 1/2023 với mức giá 90 USD/thùng ngay ở thời điểm này.
Thứ hai, làm sao để ngăn Nga hưởng lợi từ việc bán dầu? Thực tế chứng minh, doanh thu từ dầu của Nga đã tăng vọt bất chấp khối lượng giữ nguyên hoặc giảm.
Nếu giả thiết các biện pháp trừng phạt về bảo hiểm vận tải của EU hiệu quả, khiến nguồn cung dầu của Nga bị loại bỏ khỏi thị trường toàn cầu, thì ít nhất về mặt lý thuyết có thể chắc chắn giá sẽ tăng.
Ngoài ra, có thể các lệnh trừng phạt sẽ không hiệu quả, vì vậy Nga vẫn có thể bán dầu của mình. Khi đó, hầu hết dầu sẽ được giao dịch theo những cách lòng vòng hơn - dầu trước đây được vận chuyển trực tiếp đến châu Âu, nay được chuyển đến các thị trường xa hơn và các nhà cung cấp khác sẽ bắt đầu bán nhiều dầu hơn cho châu Âu.
Sự lòng vòng này sẽ làm tăng mức giá mà người châu Âu phải trả. Trong khi đó, những người khác cũng có thể mua được giá thấp hơn vì Nga phải bán dầu của mình ở các thị trường mới - như đã thấy nước này đã chấp nhận mức chiết khấu lớn đối với dầu thô Urals.
Từ đó, có thể thấy rõ hơn về những gì Mỹ đang đòi hỏi ở đây. Một mặt nước này tỏ ra cứng rắn với Nga (áp mức giá trần), nhưng trên thực tế là đang ép châu Âu trở nên ít cứng rắn hơn (bằng cách giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng dầu nếu giá đạt những mức nhất định).
Ngoài ra, cơ chế giá thị trường hoạt động rất mạnh mẽ và khả năng phản ứng của nền kinh tế thường bị đánh giá thấp. Do đó, thay vì cố gắng kiềm chế giá năng lượng, các chính sách nên chú trọng vào việc khuyến khích thói quen tiết kiệm trong sử dụng năng lượng. Điều này được thể hiện ở việc thế giới đang chứng kiến xu hướng tiêu thụ dầu giảm ở các nền kinh tế tiên tiến.
Điều đó cũng đúng với tiêu thụ khí đốt. Theo số liệu của EU, dòng khí đốt của Nga đã giảm 30% so với mức trung bình trước đó. Điều này cho thấy người tiêu dùng châu Âu đã phải xoay sở để thích nghi một cách đáng kể khi giá cả ngày càng cao.
Một nghiên cứu mới của nhóm các nhà kinh tế thuộc trường đại học Hertie (Đức) đã xây dựng một mô hình dự báo nhu cầu khí đốt của Đức, dựa trên những năm qua để tách biệt việc thích ứng với cuộc khủng hoảng khỏi các yếu tố khác ảnh hưởng đến nhu cầu như thời tiết.
Họ nhận thấy, trong tháng Ba và tháng Tư, người tiêu dùng đã cắt giảm 6% nhu cầu khí đốt. Trong khi đó, các ngành công nghiệp đã bắt đầu tiết kiệm sớm hơn nhiều, nhu cầu đã được cắt giảm ngay khi giá bắt đầu tăng vào cuối năm 2021. Trung bình, các công ty đã cố gắng tiêu thụ ít hơn 11% lượng khí đốt so với bình thường.
Việc áp trần đối với giá dầu sẽ làm đảo ngược tất cả các động lực này, đồng thời sẽ gây ra những tác hại vượt ra ngoài cuộc khủng hoảng trước mắt.
Quyết định này sẽ báo hiệu cho cả người tiêu dùng và các nhà sử dụng công nghiệp rằng, ngay khi giá dầu tăng, các chính trị gia sẽ làm bất cứ điều gì có thể để hạ giá. Nói cách khác, hành động của họ không đồng nhất với những gì họ đã nói về việc cắt giảm khí thải carbon hay cụ thể là giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga.