Gần 79% học sinh cả nước đi học trực tiếp

Đó là thông tin Bộ GD&ĐT vừa cho biết về tình hình tổ chức dạy học trực tiếp của học sinh trên cả nước tính đến 17h ngày 22/2.

Bộ GD&ĐT thông tin cụ thể đối với từng bậc học như sau:

- Đối với bậc Mầm non có 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp.

13 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại địa phương gồm: TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng (tổ chức cho đi học tại 02 quận Thanh Khê và Sơn Trà), Tiền Giang (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ 21/2/2022, trẻ dưới 05 tuổi tổ chức từ ngày 24/2/2022), Bạc Liêu (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ 21/2/2022, trẻ dưới 05 tuổi tổ chức từ ngày 28/2/2022), An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên (Tỉnh Đắk Lăk có TP.Buôn Mê Thuột dừng dạy học trực tiếp).

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cả nước chỉ có duy nhất tỉnh Lào Cai cho học sinh tất cả các cấp dừng học trực tiếp.

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cả nước chỉ có duy nhất tỉnh Lào Cai cho học sinh tất cả các cấp dừng học trực tiếp.

- Đối với bậc Tiểu học có 52 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp.

11 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp: An Giang (khối lớp 1,2), Tiền Giang (khối lớp 3,4), TP.Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lăk (TP.Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

- Đối với bậc THCS có 59 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp.

4 tỉnh, thành phố dừng dạy học trực tiếp do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP.Hà Nội (khối lớp 6 của 12 quận nội thành).

- Đối với bậc THPT có 62 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. Duy nhất tỉnh Lào Cai dừng dạy học trực tiếp do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngày 21/2, Bộ Y tế đã có hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp gửi Bộ GD&ĐT. Quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 trong cơ sở giáo dục bao gồm 4 bước:

Bước 1: Khi có trường hợp F0, báo ngay Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường. Cán bộ y tế trường học hoặc Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường chuyển ngay trường hợp F0 xuống phòng cách ly tạm thời của trường học theo lối đi riêng đã được phân luồng.

Bước 2: Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ngay lập tức đến xử lý cùng.

Bước 3: Đối với lớp học có học sinh F0:

Giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế (việc xác định trường hợp là F1 thực hiện theo Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19).

Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó, nếu trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì được xác định là F0 và xử lý theo qui định.

Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính: cho những học sinh này đi học trở lại bình thường.

Nếu là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính:

Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 5 đối với những học sinh là F1 và đã tiêm đủ ít nhất 02 liều vaccine phòng COVID-19 (được ghi trên giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19, phần mềm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid) theo qui định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày;

Hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe cho học sinh trong 05 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện Thông điệp 5K.

Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 7 đối với những học sinh là F1 và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vacine phòng COVID-19; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe cho học sinh trong 03 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện Thông điệp 5K.

Bộ Y tế lưu ý: Trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác, … hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì thông báo ngay cho Trạm Y tế cấp xã, Nhà trường để theo dõi và xử trí theo qui định.

Bước 4:

- Đối với lớp có học sinh F0: Sau khi xác định đối tượng là F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.

- Đối với học sinh các lớp học khác:

+ Nếu không có sự giao lưu tiếp xúc với F0 thì cho đi học bình thường.

+ Nếu xác định có học sinh tiếp xúc gần (F1) với trường hợp F0 thì tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh với trường hợp là F1 đó và xử lý F1 như bước 3.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//gan-79-hoc-sinh-ca-nuoc-di-hoc-truc-tiep-169220222195854731.htm