Gắn kết chặt chẽ công tác nhân quyền từ Trung ương đến địa phương

Ngày 3-10, Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền toàn quốc đợt 2 năm 2024 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ chủ trì hội nghị.

Hơn 350 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ và đại diện các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền của 35 tỉnh, thành phố tham dự.

 Trung tướng Lê Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trung tướng Lê Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước có liên quan công tác nhân quyền của Việt Nam; nhận định những thách thức có thể tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền và đề ra các giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng biểu dương kết quả hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương thời gian qua; ghi nhận một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật, như: Công tác đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cấp cơ sở; công tác đối ngoại, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền ngày càng chủ động, hiệu quả, góp phần phục vụ hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam…

Trung tướng Lê Quốc Hùng cũng nêu một số hạn chế cần khắc phục trong công tác bảo đảm, đấu tranh, bảo vệ nhân quyền; chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo tình hình trong một số lĩnh vực, vụ việc, sự kiện nhằm tránh bị động, bất ngờ; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính, đặc biệt cần đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người, trong đó chú trọng kênh ngoại giao nhân dân, chủ động truyền thông trên không gian mạng, “phủ xanh” bằng các thông tin tích cực... nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác nhân quyền trong tình hình mới.

Tại hội nghị, các báo cáo viên trình bày các chuyên đề: Đẩy mạnh thông tin đối ngoại về quyền con người và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nhận diện hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Việt Nam; bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số; nhận diện hoạt động lợi dụng quyền của người dân tộc thiểu số chống phá Việt Nam và công tác đấu tranh của Việt Nam.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền toàn quốc đợt 2 năm 2024.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền toàn quốc đợt 2 năm 2024.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm, đấu tranh, tuyên truyền về nhân quyền, hội nghị xác định nhiệm vụ công tác trọng tâm thời gian tới, bao gồm: Tiếp tục tăng cường công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, chính sách lao động, việc làm; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong các tôn giáo, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự…

Tin, ảnh: TRANG PHẠM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/gan-ket-chat-che-cong-tac-nhan-quyen-tu-trung-uong-den-dia-phuong-797181