Gắn kết du lịch với hương trà Tây Côn Lĩnh

Vùng trà Shan tuyết cổ thụ vùng Tây Côn Lĩnh kéo dài trên 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần của tỉnh Hà Giang. Vị trà đặc sắc, nghề làm trà thủ công lâu đời, nhưng loại đặc sản đồ uống này chưa có nhiều tiếng tăm trên thị trường. Cho đến khi Hoàng Su Phì trỗi dậy mạnh mẽ để làm du lịch, những bạn trẻ người Mông khởi nghiệp bằng cách sao trà thủ công và làm du lịch theo cách riêng.

Người dân làm trà thủ công bán ở chợ phiên Hoàng Su Phì. Ảnh: TTH

Người dân làm trà thủ công bán ở chợ phiên Hoàng Su Phì. Ảnh: TTH

Tôi gặp ở chợ phiên Hoàng Su Phì, Hà Giang những thanh niên người dân tộc Mông mang trà xanh sao khô ra bán cho khách du lịch. Họ cho hay, trà chủ yếu bán online (trực tuyến trên mạng internet) và gửi sản phẩm đi khắp nơi theo phương pháp giao hàng - thu tiền. Muốn thế, vùng trà Tây Côn Lĩnh phải được truyền thông rộng rãi, tiếng tăm về một vùng mây mù núi cao, trời xanh, nước trong nuôi dưỡng những cây chè mấy trăm tuổi quý giá phải được đánh giá đúng tiềm năng, giá trị.

Thanh niên Vàng A Tủa, ở bản Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho biết, mới đây, anh cùng một nhóm bạn thành lập câu lạc bộ sao chè xanh. Họ muốn liên kết với nhau thành đồng sự, để gom nhiều sản phẩm, dễ dàng trong thu mua nguyên liệu cùng với sản phẩm từ “nhà làm” để cho ra đời một thương hiệu riêng. Mỗi phiên chợ, những thanh niên này mang trà xanh sao khô của mình ra trưng bày sản phẩm và bán. Cứ thế, tình yêu với sản phẩm của chính mình làm ra nhân lên, thu nhập ổn định, khát vọng khuếch trương thương hiệu sản phẩm càng thôi thúc.

Trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh xưa nay là thức trà xanh sao khô, thức uống thơm ngon đầy vị, chất hoang dã của sản phẩm vào loại bậc nhất so với các vùng chè trên cả nước. Tỉ lệ hoang dã, tính chất địa phương của sản phẩm chính là điều người tiêu dùng rất thích. Các gốc chè ở đây có thâm niên hơn kém 300 tuổi, là giống chè Shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh.

Vùng chè ở đây có đặc điểm riêng là hầu hết các gốc chè cổ thụ đang là tài sản riêng của các gia đình nên việc quy hoạch thành vùng chè nguyên liệu là điều không thể. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng chè Tây Côn Lĩnh thành sản phẩm du lịch lại là điều khả thi. Tương lai gần, vùng chè sẽ hút khách du lịch đến đây để nhìn ngắm, thưởng trà không chỉ bằng vị giác mà còn bằng thị giác.

Vàng A Tủa nói, việc mơ ước làm đường vào tận đồi chè cổ thụ, xây dựng nhà nghỉ, trạm dừng chân, quán thưởng trà ngay dưới các gốc chè cổ thụ vẫn đang là mơ ước. Các thanh niên người Mông, người Dao ở đây đang giữ gìn những gốc chè cổ thụ, họ không còn bán gốc cho người ta làm vườn cây cảnh như những năm trước đây nữa. Phần vì lệnh cấm di chuyển dời cây, phần vì những gốc chè là hồn vía của Tây Côn Lĩnh, họ không muốn mất đi gốc gác của núi cao. Trải qua nhiều lần nhận thức, người dân Phìn Hồ hiểu rằng, những gốc chè chính là cuộc sống của họ, không thể bán đổi cây chè cũng như không thể bán đổi danh tiếng của trà Tây Côn Lĩnh.

Tuy tại vùng chè đang còn nhiều những hộ gia đình lén làm nguyên liệu thô, sao chè cả cành để bán cho thương lái, nhưng người dân ở đây đa số đều yêu quý cây chè, chỉ thiếu cách làm thành phẩm và không biết cách bán sản phẩm. Tôi tìm gặp cô gái Dao nổi tiếng tay sao chè ngon ở Phìn Hồ tên là Triệu Thị Xá. Trong tay cô gái và gia đình cô giờ đây có nhiều gốc trà cổ thụ già gấp 10 lần tuổi của cô. Xá nói, những búp chè ngày càng hiếm hoi. Chỉ cần chớm Đông, là cả đồi chè không nảy lộc nữa, phải chờ tới mùa Xuân năm sau mới có thể thu hái.

Vùng chè ở độ cao 1.500m so với mực nước biển là vùng chè khởi nguyên của nước ta, mùa Đông thường không có mặt trời. Buổi sáng mùa Hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái buốt tay. Mới đây, thị trường bỗng dưng ưa chuộng bạch trà, loại trà hái chỉ có nõn tôm, chứ không phải búp chè một tôm hai lá như trước đây. Hái chè về sao ngay không để quá 2 giờ đồng hồ, búp chè ứ nhựa mất ngon.

Xá bảo, sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước trà mới xanh. Bếp sao thủ công càng tốt, chính vụ thì sao bằng lò. Khi sao chè, cô gái Dao luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Dù là máy móc nào nhưng muốn có trà ngon thì phải dựa vào kinh nghiệm và bí quyết sao chè của người Dao trước đây truyền lại.

Nguồn gốc của trà Phìn Hồ là do người Dao trồng và thu hái làm đồ uống. Người dân Tây Côn Lĩnh giờ đây uống trà vẫn cung cách ấy. Nghĩa là chỉ uống trà do tay mình sao. Mỗi lần sao một mẻ ra lò, người ta lại pha một chút vào cái ấm nhỏ và nhấp ngụm đầu tiên xem thử hương vị có đúng ý mình không rồi mới bán cho khách. Nhìn cô gái Dao đỏ nâng chén trà với đôi má ửng hồng vì lửa nóng từ lò sao, bàn tay thì đen dày nhựa lá trà, tôi hiểu rằng, giá trị của trà Phìn Hồ không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một đồ uống, nó vượt lên là sự thưởng thức, thưởng thức cả cách làm nên hương vị ấy.

Được uống bằng mắt hương trà Phìn Hồ chính là quà tặng của vùng đất này dành cho khách du lịch. Nhiều gia đình người Dao ở đây không nói tiếng phổ thông, nhưng họ đặc biệt hiếu khách. Chủ nhân những vườn chè sẵn sàng chia sẻ với du khách những ấm trà ngon do chính tay họ sao, cách sao chè sao cho thơm ngon mà khách du lịch tới đây còn được tham gia vào quy trình đó, từ lúc búp chè còn trên cây đến khi hương trà bay ngào ngạt trong một buổi chiều sương mù lan xuống núi. Sản phẩm du lịch không dừng lại ở việc đến thưởng thức đồ uống, mà rộng ra là thưởng thức không khí, văn hóa lối sống, một môi trường sinh thái không bị pha tạp và tinh khiết.

Bên cạnh các Hợp tác xã trà ở Phìn Hồ với sản phẩm chất lượng, lọt vào chuỗi sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hà Giang, các sản phẩm trà thủ công của Tây Côn Lĩnh vẫn có chỗ đứng riêng. Những thanh niên người Mông ở đây không chỉ thành lập câu lạc bộ sao chè, họ còn học tiếng Anh và học làm du lịch. Họ muốn biến căn nhà của mình thành quán thưởng trà với lác đác những cây chè cổ trụ treo lủng lẳng những giò phong lan rừng. Giống chè Shan tuyết càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá càng xanh ngắt tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên là điều thích thú cho những ai ham thích tự nhiên.

Hầu hết dân bản ở Phìn Hồ sống nhờ vào cây chè Shan tuyết từ nhiều đời nay. Cùng với việc nhân giống chè phủ kín các diện tích còn trống hiện nay thì phát triển vùng chè thành điểm du lịch là hướng đi tích cực để hương vị chè Phìn Hồ tỏa hương, đồng thời làm giàu cho chính chủ nhân của nó.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gan-ket-du-lich-voi-huong-tra-tay-con-linh-post438882.html