Gặp nhân vật chính của 'Dòng sữa ngọt ngào'!

Tối qua (19-10), nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, tôi được Thành hội Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh mời dự và trao tặng tranh 'Dòng sữa ngọt ngào' (phiên bản) cho nhân vật chính trong câu chuyện. Ban tổ chức thật tinh tế khi xếp tôi và bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy, công tác tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương gần nhau.

Gặp thật bên ngoài, mới thấy em trẻ và nhỏ nhắn hơn so với tuổi 30. Tình cờ nghe giọng em là lạ, em mới cho biết là người dân tộc K’ho (cùng dân tộc với Bonneur Trinh, giải nhất Tiếng hát Truyền hình 2002) và quê gốc ở Ka Đô - một xã thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Thúy nói em là một "bà mẹ bỉm sữa" có con trai mới hơn 14 tháng tuổi nhưng đã phải tạm xa con tính đến nay là 4 tháng để vào bệnh viện thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng điều trị bệnh nhân Covid-19. Thúy khoe rất nhiều hình con trai em, tên K’Jayson rất dễ thương. Nghe tôi khen cháu kháu khỉnh, đáng yêu, mặt em rạng ngời hạnh phúc! Em "bật mí" chia sẻ vừa nhận tin được cấp trên cho về quê gặp chồng con trong đầu tháng 12 này.

Tôi được Thành hội Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh trao tặng tranh “Dòng sữa ngọt ngào” (phiên bản) cho nhân vật chính trong câu chuyện - bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy

Tôi được Thành hội Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh trao tặng tranh “Dòng sữa ngọt ngào” (phiên bản) cho nhân vật chính trong câu chuyện - bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy

Bất ngờ trong chương trình, tôi và bạn Thúy được Ban tổ chức tặng hoa thật đẹp, với lời chúc cùng những tràng vỗ tay của hơn hai trăm chị em tham dự. Tôi thấy thật xúc động!

Vui hơn, sau khi bế mạc, cả hai được chị Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh lại chia sẻ tình cảm về câu chuyện và bức tranh “Dòng sữa ngọt ngào”. Chị cũng hy vọng sẽ được tham dự khai mạc và xem hết, biết hết những câu chuyện cảm động phía sau gần 80 bức tranh trong bộ tranh và ký họa “Sài Gòn trong thời giãn cách” đã truyền cảm hứng cho tôi vẽ. Trong hơn 120 ngày vừa qua tôi đã miệt mài vẽ. Vẽ bộ tranh nói trên như là lời tri ân, cảm ơn và động viên Sài Gòn - mảnh đất bao dung với mọi người, và nơi đã nuôi dưỡng, học tập và trưởng thành như hôm nay!

Phạm Thị Thanh Thúy trẻ và nhỏ nhắn hơn so với tuổi 30

Phạm Thị Thanh Thúy trẻ và nhỏ nhắn hơn so với tuổi 30

Trong bộ tranh nói trên, nhân vật tôi chú ý vẽ nhiều nhất là chân dung phụ nữ và trẻ em - những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trong đại dịch vừa qua. Tôi vẽ họ với những câu chuyện rất thực, rất đời và cảm động chạm đến trái tim người xem. Qua hơn 40 tranh ở mảng ký họa chân dung, những nhân vật phụ nữ mà tôi ấn tượng có thể là bà cụ bán vé số, cô mua ve chai, bà già và con chó nhỏ; hoặc phụ nữ với các hoạt động thiện nguyện, cưu mang nhau giữa những ngày gian khó. Tôi vẽ gian hàng 0 đồng, chợ 0 đồng, tủ lạnh cộng đồng cho những ai dư dả đến cho và ai cần đến lấy… Tôi vẽ chân dung một chiến binh nhí 5 tuổi tự mình đến khu điều trị Covid-19; vẽ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy - một "bà mẹ bỉm sữa" có con trai mới hơn 14 tháng tuổi nhưng đã phải tạm xa con tính đến nay là 4 tháng để vào tuyến đầu chống dịch. Và hằng ngày, em đã nuôi bé gái con bệnh nhân điều trị Covid-19 bằng “dòng sữa ngọt ngào” của mình. Và điều đó làm người ta nhớ mãi.

Chúng tôi chia tay nhau ra về khi Sài Gòn tầm 9 giờ tối. Đường phố vẫn còn vắng vẻ, những hàng cây xà cừ cổ thụ im lìm dưới ánh đèn vàng. Một cơn gió nhẹ thoảng đưa làm rơi vài chiếc lá.

Thốt nhiên tôi nhớ đến hình ảnh những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Bình Phước mà tôi từng ghé đến. Đã hơn một lần, tôi thử nâng chùm hoa lên mũi, áp sát mặt mình vào lớp da sần sùi của cây... nhắm mắt lại. Tôi như cảm nhận được hơi ấm của dòng nhựa trắng... Dòng nhựa ấy như dòng sữa mẹ đã nuôi sống biết bao người công nhân qua nhiều thế hệ.

Chợt nhớ đến những vần thơ đầy xúc cảm của nhà thơ Thanh Hiếu - cũng là một lãnh đạo của ngành cao su Việt Nam:

“… Nhựa thơm, dòng sữa của cây
Tựa như sữa mẹ - những ngày còn thơ

Âm âm dòng nhựa dâng trào
Vô thường một đó thuở nào là em”.

Lê Sa Long

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/127809/gap-nhan-vat-chinh-cua-dong-sua-ngot-ngao