GDP quý I/2022 vượt mốc 5%, nguyên nhân nào khiến CPI tăng 1,92%?

GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương, kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều thay đổi tích cực và khả quan so với năm 2021, GDP tăng hơn 5%. (Nguồn: bizlive.vn)

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương, kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều thay đổi tích cực và khả quan so với năm 2021, GDP tăng hơn 5%. (Nguồn: bizlive.vn)

Nền kinh tế tăng trưởng tích cực

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2022, sáng 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều thay đổi tích cực và khả quan so với năm 2021; các ngành dịch vụ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, ngành công nghiệp phát triển khá tốt, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2022 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,86%, nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng tăng trưởng 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I năm 2021, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm.

Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê cho biết, về cơ cấu nền kinh tế quý I/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).

Về sử dụng GDP quý I/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.

Nhiều yếu tố khiến CPI tăng 1,92%

Cũng tại họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3/2022 tăng. (Nguồn: DT)

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3/2022 tăng. (Nguồn: DT)

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, các yếu tố làm tăng CPI trong quý I/2022. Đó là, trong quý I/2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân quý I giá gas tăng 21,04% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý I/2022 tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng tăng cao làm cho giá gạo quý I năm nay tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn.

Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các quý tiếp theo, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gdp-quy-i2022-vuot-moc-5-nguyen-nhan-nao-khien-cpi-tang-192-178534.html