Giá cà phê hôm nay 18/2/2024: Giá cà phê trong nước tăng mạnh, xuất khẩu toàn cầu vẫn trong xu hướng đi lên
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12/2023 đã tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 12,2 triệu bao. Qua đó đưa tổng xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại 2023-2024 lên mức 32,4 triệu bao, tăng 6,8% so với cùng kỳ niên vụ trước, ICO cho biết.
Giá cà phê hôm nay 18/2/2024
Giá cà phê thế giới những ngày cuối tuần này điều chỉnh tăng 2 ngày liên tiếp, bù lại 3 ngày giảm đầu tuần.
Giá cà phê kỳ hạn thế giới đang tăng theo giá cả hàng hóa nói chung, khi trong tuần chỉ số DXY tăng mạnh khiến hầu hết hàng hóa trao đổi bằng đồng USD trở nên đắt đỏ. Giá cà phê arabica được hưởng lợi nhờ xu hướng này, lại thêm nguồn cung robusta tiếp tục bị hạn chế, sau báo cáo tồn kho ICE – Europe cuối tuần giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tồn kho thấp và lực bán từ Việt Nam không như kỳ vọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày cũng góp phần giúp robusta tăng mạnh.
Ghi nhận của TG&VN, kết thúc phiên giao dịch tuần này (ngày 16/2), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2024 tăng 26 USD, giao dịch tại 3.231 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 tăng 33 USD giao dịch tại 3.141 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng, kỳ giao hàng tháng 3/2024 tăng 1,55 Cent, giao dịch tại 190,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2024 tăng 1,55 Cent, giao dịch tại 186,70 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Áp lực của ngày thông báo đầu tiên (FND) đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ tiếp tục mua thanh lý để cân đối vị thế ròng hiện đang nắm giữ. Chỉ số DXY suy yếu trở lại đã đưa tỷ giá đồng Real tăng, trong khi các chỉ số kinh tế Mỹ hiện tại đang xác định lập trường cứng rắn của Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay.
Trong khi đó, các cuộc tấn công khủng bố trên tuyến hàng hải qua Biển Đỏ tiếp tục góp phần làm tăng nhu cầu đối với Conilon robusta của Brazil.
Tồn kho cà phê robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến ngày 16/2 tiếp tục giảm 5.050 tấn, tức giảm 20,09% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 20.090 tấn (khoảng 334.833 bao, bao 60 kg), mức thấp kỷ lục mới, sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cà phê robusta trong ngắn hạn, trong bối cảnh nguồn cung robusta toàn cầu vẫn còn bị ách tắt và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính vẫn còn hiện tượng kháng giá.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước ngày 17/2 tăng 1.400 - 1.500 VND/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg.
(Nguồn: Giacaphe.com)
Theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt kỷ lục gần 10,9 triệu bao vào tháng 12, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng xuất khẩu gần đây của cà phê nhân xanh chủ yếu phản ánh các điều kiện sản xuất đã trở lại bình thường sau một năm sụt giảm.
Như vậy, tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 3 tháng đầu tiên của niên vụ 2023-2024 đã đạt 29,2 triệu bao, tăng 6,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh arabica Brazil đã tăng 15% trong tháng 12 và tăng 7,4% trong 3 tháng đầu niên vụ hiện tại, đạt tổng cộng gần 11 triệu bao. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ mức tăng 19,3% trong xuất khẩu cà phê arabica của Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, lên 3,2 triệu bao trong tháng 12/2023 so với 2,7 triệu bao của cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu arabica Colombia cũng ghi nhận mức tăng trưởng 7,9% trong tháng 12 và tăng tới 14,3% trong 3 tháng đầu niên vụ 2023-2024 lên 3,2 triệu bao.
Tiếp đến, các lô hàng arabica khác tăng 19,9% trong tháng 12 và tăng 10,5% trong 3 tháng đầu niên vụ 2023-2024 lên 4,1 triệu bao. Mức tăng trưởng hai con số của khu vực chủ yếu là do xuất khẩu của Peru và Mexico tăng lần lượt 48,3% và 75% trong tháng 12.
Các điều kiện sản xuất tại Peru đã trở lại bình thường trong niên vụ cà phê 2023-2024 sau khi sụt giảm vào niên vụ trước. Trong khi hoạt động sản xuất tại Mexico cũng đang diễn ra tương đối thuận lợi.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê nhân xanh robusta tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước lên gần 4,7 triệu bao trong tháng 12. Đây là khối lượng xuất khẩu lớn nhất trong tháng 12 kể từ trước đến nay, vượt qua kỷ lục trước đó là 4,2 triệu bao được thiết lập vào năm 2022.
Tuy nhiên, mức giảm 8,8% vào đầu niên vụ 2023-2024 đã khiến cho tổng xuất khẩu cà phê robusta từ tháng 10 đến tháng 12/2023 chỉ tăng 2,9%, ở mức 10,9 triệu bao.
Động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ Brazil, quốc gia Nam Mỹ đã vận chuyển hơn 0,5 triệu bao robusta ra thị trường quốc tế trong tháng 12, tăng đột biến 806,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan cũng tăng mạnh 25,7% lên 1,24 triệu bao trong tháng 12. Tính từ đầu niên vụ đến nay đã có hơn 3 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên thế giới, tăng 8,2% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê là 9,3%, tăng nhẹ so với mức 9,2% của cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Brazil, nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất đã vận chuyển 0,35 triệu bao ra thị trường quốc tế trong tháng 12.
Riêng xuất khẩu cà phê đã rang tiếp tục giảm 15% trong tháng 12 và sau 3 tháng đầu niên vụ 2023-2024 chỉ đạt 0,17 triệu bao, giảm so với 0,19 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.