Giá cao su, đường biến động ra sao tháng cuối năm?

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, giá cao su từ nay đến cuối năm khả năng cao sẽ có ít nhất một đợt tăng giá mới khi thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam là Trung Quốc những tháng cuối năm đẩy mạnh thu mua cao su cho hoạt động kinh doanh năm tiếp theo. Trái ngược với giá cao su, giá đường trong những tháng còn lại của năm 2024 khó có thể tăng cao, chủ yếu dao động dưới 500 USD/tấn.

nguyên nhân khiến giá cao su tăng mạnh chủ yếu đến từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi cung. Ảnh minh họa

nguyên nhân khiến giá cao su tăng mạnh chủ yếu đến từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi cung. Ảnh minh họa

Giá cao su đạt mức cao nhất 13 năm

Theo MXV, từ cuối tháng 7 đến nay, giá cao su trên thế giới liên tục tăng cao và ghi nhận mức kỷ lục mới. Đáng chú ý, trên Sở Giao dịch Hàng hóa Phái sinh Osaka (OSE) của Nhật Bản, giá cao su RSS3 đạt mức cao nhất 13 năm khi kết phiên giao dịch ngày 1/10 với mức giá gần 3.017 USD/tấn, tăng khoảng 40% so với cuối tháng 7 và cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, đà tăng của giá đã chững lại nhưng giá cao su RSS3 vẫn nằm trong vùng 2.700-2.800 USD/tấn, tăng 30% so với cuối tháng 7.

Mùa vụ mía đường tại Brazil có dấu hiệu cải thiện

Dự báo, giá đường đến cuối năm dao động dưới 500 USD/tấn, bởi vì mùa vụ mía đường tại Brazil đã có những dấu hiệu cải thiện khi mưa trở lại các khu vực sản xuất chính. Điều này sẽ giúp cải thiện điều kiện phát triển của cây mía đường cũng như phục hồi năng suất để đưa đến mức sản lượng tốt hơn cho niên vụ 2024-2025. Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc MXV

Tại thị trường nội địa, giá cao su mủ nước tại các tỉnh sản xuất chính dao động trong khoảng 440 - 450 đồng/TSC, có lúc lên gần 500 đồng/TSC, cao gấp đôi so với năm 2023. Giá cao su xuất khẩu cũng tiếp đà tăng, trong 15 ngày đầu tháng 10, Việt Nam xuất khẩu cao su với mức giá trung bình 1.867 USD/tấn, tăng 12,8% so với mức giá trung bình trong tháng 7 và cao hơn gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc MXV cho rằng, nguyên nhân khiến giá cao su tăng mạnh chủ yếu đến từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi cung - cầu thay đổi theo chiều hướng giảm cung tăng cầu.

Về phía cung, sản lượng cao su tự nhiên tại châu Á giảm tới 4,5% trong năm 2024, về khoảng 14 triệu tấn do tình trạng mưa quá nhiều tại Thái Lan và thiệt hại do bão Yagi tại Trung Quốc. Công ty Helixtap dự đoán sản lượng cao su tại Thái Lan, dự kiến giảm 10% - 15% trong năm nay. Đồng thời, WhatNext Rubber cho rằng, tình trạng nguồn cung căng thẳng hơn khi Hải Nam, vùng sản xuất cao su chính của Trung Quốc chịu thiệt hại 2,1% diện tích cả nước.

Cùng với đó, Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) tăng dự báo thiếu hụt cao su tự nhiên trong năm 2024 lên 1,24 triệu tấn, cao hơn mức 1,12 triệu tấn đưa ra vào tháng 5.

Về phía cầu, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới đã thực hiện một loạt các chính sách tiền tệ mở rộng và cam kết thực hiện thêm các chính sách tài khóa mở rộng trong thời gian tới. Điều này đưa đến tâm lý kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt hơn, kéo theo nhu cầu về cao su cho các hoạt động sản xuất. Đặc biệt, Trung Quốc hiện là đối tác xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, nước ta xuất sang Trung Quốc trên 887.200 tấn cao su, tương đương gần 70% tổng lượng cao su xuất khẩu. Do đó, giá cao su trong nước tăng không chỉ nhận lực kéo gián tiếp từ giá cao su thế giới, phần lớn còn trực tiếp đến từ kỳ vọng nhu cầu tăng tại Trung Quốc.

Ngoài ra, giá dầu thô tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 cũng gia tăng hỗ trợ quan trọng, giúp giá cao su tạo đỉnh mới. Giá dầu thô tăng, kéo theo giá cao su tổng hợp trở nên đắt đỏ hơn. Với vai trò hàng hóa thay thế, nhu cầu đối với cao su tự nhiên tăng lên, từ đó tạo thêm lực hỗ trợ giá.

Thời tiết gây ảnh hưởng lên nguồn cung đường thời gian qua

MXV cho biết, từ cuối tháng 7 đến nửa đầu tháng 8, giá đường 11 (đường thô) trên Sở Giao dịch Liên lục địa New York (ICE-US) neo ở mức thấp nhất trong gần 2 năm. Sang tuần cuối tháng 8, giá bắt đầu có sự khởi sắc và tăng mạnh trong 2 tuần giữa tháng 9, đẩy giá đường thô lên mức cao nhất 7 tháng, tại 516,3 USD/tấn khi kết phiên giao dịch ngày 25/9. Từ đó đến nay, giá đường thô trong xu hướng đi ngang, dao động trong khoảng 480 - 510 USD/tấn, tăng hơn 20% so với cuối tháng 7 nhưng thấp hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến đồng pha, giá đường trắng (đường tinh luyện) trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) khép lại phiên giao dịch ngày 22/10 ghi nhận mức giá 561,2 USD/tấn, tăng 5% so với cuối tháng 7, nhưng thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Trên thị trường nội địa, giá đường tại các nhà máy thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, miền Tây tương đối ổn định. Trong tháng 8, giá dao động trong khoảng 20.000 - 20.100 đồng/kg, gần như không đổi so với tháng 7. Giá đường bắt đầu tăng từ giữa tháng 9, đến cuối tháng, giá tăng 150-500 đồng/kg so với đầu tháng. Đến nay, giá đường nội vẫn giữ được đà khởi sắc với mức bán lên tới 21.300 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đức Dũng phân tích, giá mặt hàng này biến động khó lường trong thời gian qua chủ yếu đến từ những chuyển biến về thời tiết gây ảnh hưởng lên nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chính.

Ban đầu, thị trường kỳ vọng sản lượng đường trong niên vụ 2024-2025 của Brazil có thể đạt mức cao kỷ lục, kết hợp cùng sự cải thiện trong mùa vụ tại Ấn Độ đã gây áp lực lớn lên giá. Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) dự báo, sản lượng đường niên vụ 2024-2025 tại Brazil ở mức kỷ lục 46 triệu tấn, tăng 0,7% so với vụ trước. Cũng trong thời gian này, mùa vụ mía đường 2024-2025 của Ấn Độ có sự cải thiện đáng kể, đưa đến kỳ vọng quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới có thể cho phép xuất khẩu chính ngạch trở lại sau khi cấm xuất khẩu trong năm 2023 để đảm bảo tiêu thụ trong nước.

Sau đó, khô hạn xuất hiện và kéo dài trong nhiều tháng, kết hợp những trận hỏa hoạn trên các cánh đồng mía đường, làm giảm năng suất cây trồng và kéo kỳ vọng sản lượng đường đi xuống.

Tập đoàn đường lớn nhất Brazil Raizen ước tính khoảng 1,8 triệu tấn mía đã bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy, tương đương khoảng 2% tổng số dự kiến cho vụ mùa 2024-2025 của đơn vị này. Trước diễn biến này, công ty tư vấn Datagro dự báo sản lượng đường tại Trung Nam, vùng sản xuất chính của Brazil ở mức 39,3 triệu tấn trong vụ 2024-2025, giảm so với ước tính trước đó là 40 triệu tấn do các vụ cháy rừng và hạn hán. Tại thị trường nội địa, giá đường cũng phần nào chịu tác động từ diễn biến giá quốc tế.

Sản xuất ô tô Trung Quốc tăng trưởng, thúc đẩy giá cao su neo cao

Theo ông Dũng, bên cạnh các chính sách tiền tệ mở rộng đã thực hiện, Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện thêm các chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy kinh tế. Sự quyết tâm của chính quyền Trung Quốc tạo cho thị trường tâm lý tích cực về sự khởi sắc của kinh tế, từ đó nhu cầu về cao su cho hoạt động sản xuất cũng sẽ tăng trưởng theo.

Hơn thế, hoạt động sản xuất ô tô của Trung Quốc vẫn ghi nhận sự tăng trưởng với doanh số bán hàng tốt sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu và giá cao su neo cao. Trong 9 tháng năm 2024, Trung Quốc đã xuất khẩu 4,31 triệu xe, tăng 30,2% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự đoán, doanh số bán xe hơi năng lượng mới (NEVs) trong năm 2024 đạt 12 triệu xe, tăng gần 40% so với năm 2023.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nên bất kỳ sự biến động nào của thị trường này cũng tác động lớn tới thị trường trong nước./.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-cao-su-duong-bien-dong-ra-sao-thang-cuoi-nam-162517.html