Gia Lai: Quan tâm tạo việc làm cho người khuyết tật

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Gia Lai có trên 20.000 người khuyết tật (NKT), trong đó có hơn 13.000 NKT nặng, 2.667 NKT đặc biệt nặng. Qua điều tra cho thấy chỉ có khoảng 15% số NKT tự tạo được thu nhập. Vì vậy, NKT rất cần được tạo điều kiện học nghề phù hợp và tạo việc làm để nuôi sống bản thân.

Theo ông Nguyễn Văn Thưởng-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, NKT chưa được ưu tiên tuyển dụng là do hạn chế sức khỏe, đi lại, giao tiếp khó khăn, một số người thiếu tự tin nên không chủ động tìm việc làm. Còn ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh thì cho rằng: Một số doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng vẫn còn tâm lý phân biệt đối xử khi NKT đến phỏng vấn xin việc. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng chưa đủ “hấp dẫn” doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT.

Luật Việc làm năm 2013 quy định: Khi doanh nghiệp sử dụng trên 30% lao động là NKT thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng... Vậy nhưng tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức thời gian qua, vị trí việc làm mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cũng đều yêu cầu lao động có sức khỏe tốt.

Lớp học chữ nổi cho người khiếm thị được Hội Người mù tỉnh tổ chức vào tháng 4-2021. Ảnh: Hà Phương

Lớp học chữ nổi cho người khiếm thị được Hội Người mù tỉnh tổ chức vào tháng 4-2021. Ảnh: Hà Phương

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: Theo quy định của Luật NKT, Nhà nước khuyến khích NKT tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho NKT; hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. “Hội Người mù tỉnh đã thành lập cơ sở mát xa bấm huyệt để tạo việc làm cho hơn 200 người khiếm thị, giúp họ có thu nhập ổn định”-ông Hùng cho hay.

Trong khi đó, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trở thành cầu nối hỗ trợ sinh kế cho hàng trăm NKT và trẻ mồ côi. Hàng năm, Hội phối hợp với các địa phương hỗ trợ con giống và dạy nghề cho NKT. “Nhờ được hỗ trợ sinh kế mà nhiều NKT có điều kiện tự tạo việc làm, tăng thu nhập và hòa nhập cộng đồng”-ông Thưởng cho hay.

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Hà Phương

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Hà Phương

Thời gian qua, nhiều NKT khi được trợ giúp cũng đã có được việc làm để nuôi sống bản thân. Tiêu biểu như anh Tơi (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) mở được cơ sở mộc thu hút 4 lao động; anh Trần Chí Hải (phường Hội Thương, TP. Pleiku) bị khuyết tật đôi chân song vẫn nỗ lực phấn đấu trở thành giám đốc một doanh nghiệp.

Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Sở tiếp tục tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách phù hợp để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp tiểu-thủ công nghiệp ưu tiên tạo việc làm cho NKT. Cùng với đó, Sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn giúp NKT nắm bắt kỹ năng nghề nghiệp, tự tin và ổn định cuộc sống thông qua nghề nghiệp của mình”.

HÀ TÂY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202105/gia-lai-quan-tam-tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-5737677/