Giá 'vàng đen' tăng vọt khi EU bỏ dầu Nga; OPEC, OPEC+ có thể xoa dịu thị trường?

Giống như những ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, giá dầu đã tăng vọt trở lại. OPEC và OPEC+ đã 'ra tay' nhưng nguồn cung bổ sung của hai tổ chức này có thể không đủ để xoa dịu thị trường 'vàng đen'.

EU đã chính thức thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ, một phần của gói trừng phạt thứ sáu áp đặt lên Nga. (Nguồn: Reuters)

EU đã chính thức thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ, một phần của gói trừng phạt thứ sáu áp đặt lên Nga. (Nguồn: Reuters)

Đầu tuần trước, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng vọt lên 124 USD/thùng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022 - sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.

Sau đó, giá dầu đã giảm nhẹ trở lại khoảng 117 USD/thùng, phần lớn là do kỳ vọng rằng, Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ bơm thêm dầu.

Ngày 6/6, dầu thô WTI giao dịch trên ngưỡng 120 USD/thùng, dầu Brent giao dịch trên mốc 121 USD/thùng.

Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu về châu Mỹ tại Công ty nghiên cứu thị trường Kpler cho rằng, giá dầu có khả năng sẽ tiếp tục tăng.

Ông Matt Smith nói: “Nếu nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc tăng mạnh trở lại và Nga tiếp tục giảm sản lượng thì giá dầu có thể ở mức 139 USD/thùng - mức cao nhất mà thị trường từng chứng kiến hồi đầu năm nay".

Vấn đề từ nguồn cung

Ngay cả khi lạm phát tăng vọt và tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp làm dấy lên "bóng ma" suy thoái, nhu cầu dầu toàn cầu khó có thể giảm để giá hạ nhiệt như năm 2008.

Theo nhà phân tích Matt Smith, điều lo lắng lần này là vấn đề từ phía nguồn cung.

Ngày 30/5, EU chính thức thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ, một phần của gói trừng phạt thứ sáu áp đặt lên Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Phần lớn các nước trong khối EU hiện có 6 tháng để loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô của Nga và 8 tháng đối với tất cả các sản phẩm dầu khác.

Ông Matt Smith cho biết, hiện tại, EU có khả năng sẽ tiếp tục mua dầu từ Nga, nhưng các quốc gia trong khối này đã "nhắm" được các nhà cung cấp thay thế.

Theo dữ liệu của Kpler, nhập khẩu dầu thô từ Angola đã tăng gấp ba lần kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu dầu thô từ Brazil và Iraq lần lượt tăng 50% và 40%.

Theo ông Roslan Khasawneh, nhà phân tích dầu nhiên liệu cấp cao tại Vortexa, một công ty dữ liệu năng lượng nhận thấy, việc EU tìm kiếm nguồn cung ứng dầu từ các quốc gia cách xa về mặt địa lý có thể khiến giá dầu tăng cao hơn.

Ông Roslan Khasawneh cho hay: “Tác động trực tiếp của vấn đề này là chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn do các chuyến đi đường dài hơn".

Các chính phủ có thể can thiệp để giảm giá dầu, bao gồm trợ giá nhiên liệu và giới hạn giá tại các cây xăng. Nhưng "viên đạn bạc" mà thế giới thực sự cần để hạ nhiệt giá dầu là cần nhiều nguồn cung hơn và điều đó khó xảy ra.

Nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ

Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19 ở Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố lớn khác của Trung Quốc đã làm suy giảm nhu cầu ở quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Nhưng khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu nới lỏng những hạn chế đó và nhu cầu bị dồn nén có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga - nơi có dầu thô Urals đang giao dịch với mức chiết khấu 34 USD/thùng.

Theo số liệu ước tính của hãng phân tích Vortexa, trong tháng 5, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,1 triệu thùng dầu đường biển của Nga mỗi ngày, tăng khoảng 37% so với mức trung bình của năm ngoái.

Nhà phân tích Matt Smith cho rằng, ông không mong đợi nhu cầu ở Trung Quốc sẽ bùng nổ trở lại bởi quốc gia này đang dỡ bỏ các hạn chế vì Covid-19 theo từng giai đoạn.

OPEC, OPEC+ có thể hạ nhiệt giá dầu?

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm ngoái, Nga chiếm 14% nguồn cung dầu toàn cầu và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đang tạo ra một khoảng trống đáng kể trên thị trường.

Trong tháng 4, sản xuất dầu của Nga giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Trong nửa cuối năm nay, mức giảm này có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày.

Ngày 2/6, OPEC và các đồng minh của tổ chức này (OPEC+) đã nhất trí bơm thêm 648.000 thùng dầu/ngày vào thị trường toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8 - nhiều hơn 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch.

IEA dự đoán, sản lượng dầu toàn cầu, ngoại trừ Nga, sẽ tăng hơn 3 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay.

Nhưng nhà phân tích Matt Smith cho rằng, điều này có thể khó đạt được.

Chuyên gia này đưa ra quan điểm: "Ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraine, các nhà sản xuất dầu đã giảm bớt đầu tư vào sản xuất khi họ chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Trong khi đó, OPEC + đang phải vật lộn để theo kịp với thỏa thuận hiện tại. Trong tháng 5, các thành viên cốt lõi của OPEC như Saudi Arabia, UAE và Kuwait cũng xuất khẩu ít hơn đáng kể so với tháng trước".

Còn theo chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư UBS Giovanni Staunovo, nhiều quốc gia thành viên OPEC+ đã đạt đến giới hạn năng lực. Vì vậy, mức tăng sản lượng thực chất có thể chỉ bằng một nửa mục tiêu.

Chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có đủ năng lực dự phòng để bù đắp một phần đáng kể thiếu hụt nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Một số chuyên gia khác cũng nhận định, mức tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày của OPEC+ còn khiêm tốn, chỉ chiếm 0,4% nhu cầu toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8. Nguồn cung bổ sung chỉ tăng nhẹ có thể không đủ để xoa dịu thị trường dầu - vốn đã tăng lên mức cao nhất trong một thập niên.

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-vang-den-tang-vot-khi-eu-bo-dau-nga-opec-opec-co-the-xoa-diu-thi-truong-186238.html