Giai điệu tự hào trên quê hương cách mạng
Một mùa thu nữa lại về. Trong những ngày này, khắp nơi nơi rộn ràng không khí vui tươi, mang theo niềm tin chào mừng Quốc khánh 2-9... Những giai điệu đầy tự hào lại ngân vang trên quê hương cách mạng.
Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng không chỉ xuất hiện trong thơ ca mà vẻ đẹp của quê hương cách mạng còn hiện hữu qua những ca khúc viết về mảnh đất Tân Trào lịch sử: “Tân Trào Bác ở năm xưa” (Đinh Quang Minh), “Đường về Tân Trào” (Tân Điều), “Cảm xúc Tân Trào” (Nguyễn Văn Hiên), “Thu Tân Trào” (Vũ Thiết), “Bác ở Tân Trào” (Tân Huyền)... Là một trong những nhạc sĩ được nhận nhiều giải thưởng với các ca khúc đi vào đời sống của người dân xứ Tuyên, Tân Điều gửi về miền thương nhớ ca khúc “Đường về Tân Trào”. Tiết tấu nhạc rộn ràng, vui tươi, lời ca khúc nhẹ nhàng, trong sáng đã làm nên thành công cho tác phẩm: “Róc rách róc rách tiếng suối ngàn/Thánh thót thánh thót lời chim ca/Chập chùng chập chùng núi cao, đường về Tân Trào”.
Nhạc điệu chậm rãi, lời ca tha thiết tạo cho “Thu Tân Trào” (Vũ Thiết) một nét quyến rũ riêng. Mở đầu ca khúc, tác giả đưa người nghe lạc vào miền rừng núi huyền ảo, giai điệu du dương, gợi nhớ đến miền đất lịch sử thiêng liêng: “Chập chùng chập chùng núi/Chập chùng chập chùng mây/Rì rào, rì rào suối reo/Nhìn về cội nguồn tháng năm mà lòng bùi ngùi lặng trông/Rì rào, rì rào suối reo ở Tân Trào...”. Giữa tiết tấu nhẹ nhàng hình ảnh Bác Hồ, “Lán Nà Nưa bé nhỏ, “bóng mát cây đa”, “mái đình Hồng Thái”, “tiếng hát quân ca”... lần lượt xuất hiện với giọng điệu trang nghiêm, tha thiết. Bài hát như sự dồn nén cảm xúc, sự tri ân, tấm lòng của tác giả gửi đến quê hương cách mạng.
Tuyên Quang là mảnh đất cách mạng gắn với những câu chuyện về Bác Hồ. Chính vì vậy, bằng những tình cảm dành cho Bác, các nhạc sỹ xứ Tuyên đã viết nên những ca khúc giản dị, thân thương về Người. Khi đến với Tân Trào, nhạc sỹ Phạm Minh xúc động thấy không gian như lắng lại, mảnh đất này chính là nơi Bác đã sống những ngày gian khổ nhưng đầy lạc quan, bài hát “Đã có một thời Bác ở nơi đây” của ông đã ra đời trong tâm trạng như vậy. Lời bài hát thật gần gũi, đi vào lòng người: “Đã có một thời Bác ở nơi đây, rừng phách bao quanh, hoa tím phủ đầy. Lán nứa đơn sơ, hai gian nhà nhỏ mà bóng Người tỏa sáng nơi nơi”. Ca khúc này cũng đã được Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ thu đĩa CD và biểu diễn rất thành công.
Sáng tác của Đinh Quang Minh thường mang âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng khiến người nghe ngập tràn trong những giai điệu thiết tha. Bài hát được mở đầu một cách tự nhiên, lôi cuốn: “Con đến Nà Nưa một chiều thu lưu luyến/Lán xưa nơi Bác vẫn đi về, hình Bác xưa vẫn sống trong hồn con/Bóng cây râm mát tỏa nhớ thương, tiếng Người ấm áp vẫn nơi đây/Suối Lê, sông Đáy vơi đầy...” (Con đến Nà Nưa). Cũng từ mạch nguồn xúc cảm ở địa danh Tân Trào nhạc sĩ Vương Vình đã phổ nhạc thành công bài thơ “Nhớ ngày Bác ở Tân Trào” (Ngọc Hiệp). Khúc hát thắm đượm tình cảm thiết tha ca ngợi công lao to lớn của Bác Hồ: “Người là cha là Bác, Người về rừng núi mang theo ánh sáng, như nước suối nguồn chảy mãi về biển khơi...”.
Tuyên Quang tự hào có một dòng Lô lịch sử, nơi ghi dấu bao chiến thắng oai hùng của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lặp lại, hình ảnh con sông quê hương hiện lên êm đềm tươi đẹp. Ca khúc “Thành phố bên dòng Lô” của Tân Điều, “Hỏi sông” của Đinh Quang Minh, “Lời ru bên dòng Lô” của Vương Vình... vẽ nên một dòng sông thanh bình, đầy sức sống.
Tuyên Quang, mảnh đất lịch sử, giàu tiềm năng, đang vươn lên với sức sống mới, mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sỹ viết nên những giai điệu đầy tự hào. Những ca khúc giúp cho thế hệ trẻ thêm yêu và trân quý công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước để góp sức giữ gìn nền độc lập, tự do, hòa bình của đất nước hôm nay.