Giải pháp nâng cao chất lượng nghệ thuật
Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc tiếp cận nhiều xu hướng phát triển văn học nghệ thuật, tiếp thu nhanh những tinh hoa của văn hóa thế giới. Tuy nhiên, trên con đường hội nhập, bên cạnh những giá trị văn hóa dân tộc được duy trì phát huy, văn học, nghệ thuật thành phố đang đối mặt trước nhiều thách thức, cần có những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ, khắc phục.
Có thể nói, xu hướng thị trường đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng trong sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật thành phố. Điều này có thể thấy rõ trên lĩnh vực sân khấu. Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, TP Hồ Chí Minh đã cho ra đời sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần khởi đầu cho phong trào xã hội hóa văn hóa văn nghệ trong cả nước. Nhiều năm sau, phong trào này đã bước vào giai đoạn mới với nhiều sân khấu tư nhân ra đời, có lúc trên địa bàn thành phố có hơn 10 sân khấu, sáng đèn quanh năm. Không chỉ bảo đảm về kinh tế, các sân khấu xã hội hóa đã góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật của các vở diễn, tạo ấn tượng tốt cho khán giả trong suốt nhiều năm qua. Gần nhất, vở kịch Tiên Nga (kịch Idecaf) đã được trao giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm lần thứ hai (2012 - 2017) của thành phố. Bà Trần Yến Chi, giảng viên Trường đại học Sân khấu, điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho biết: “Không hoạt động từ ngân sách nhà nước, sân khấu xã hội hóa đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, giải trí của người xem, cho nên dễ dàng thu được những kết quả rực rỡ”. Không chỉ có sân khấu, nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh, âm nhạc... cũng đã vận động theo xu hướng thị trường, mang lại sức sống mới cho đời sống văn học, nghệ thuật thành phố.
Tuy nhiên, sau những kết quả đạt được ban đầu, chất lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong đời sống kinh tế thị trường hiện nay đã bộc lộ những hạn chế. Sân khấu xã hội hóa sau khoảng 10 năm phát triển thì nay có dấu hiệu đi xuống khi nhiều sân khấu vì muốn níu kéo khán giả tới rạp đã chỉ dựng những vở gây cười, hay có nội dung kinh dị, thiếu chiều sâu. Điện ảnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi những bộ phim ăn khách phần nhiều cũng là những tác phẩm chọc cười vô tội vạ. Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, nghệ sĩ hiện nay không chỉ biểu diễn ở sân khấu mà có thể kiếm tiền và nổi tiếng qua các trang mạng xã hội. Có những diễn viên chỉ mới biết diễn hay có chút duyên nhưng đã nhanh chóng nổi tiếng vì các sản phẩm được tung trên mạng in-tơ-nét, mạng xã hội. Tuy nhiên, phần nhiều các tiết mục này không phải là các tác phẩm nghệ thuật, thậm chí còn trái thuần phong mỹ tục nhưng vẫn được khán giả đón nhận. “Chúng ta phải cho công chúng biết được giá trị đích thực của một tác phẩm nghệ thuật trên sân khấu là gì, bằng cách tăng cường đầu tư cho sân khấu, trong đó có sân khấu dành cho trẻ em”- đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Phan Thu Vân, giảng viên Khoa ngữ văn, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thành phố cần có định hướng, chính sách hợp lý để đưa giáo dục văn hóa - nghệ thuật vào nhà trường phổ thông sao cho phù hợp với từng cấp học. Khi thâm nhập vào môi trường này, sức tác động của văn học, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu... sẽ sâu rộng, bền lâu hơn. Tiến sĩ Phan Thu Vân cho rằng, tính cá nhân, manh mún, sự thiếu kết nối, thiếu sức mạnh tập thể là lực cản không hề nhỏ để thành phố tạo dựng, thay đổi hình ảnh. Vì thế, lãnh đạo thành phố cần chú trọng việc tập hợp lực lượng để tổ chức các cuộc thi sáng tác các đề tài về Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh bình dị, truyền thống mà hiện đại, các hội thảo khoa học chuyên sâu, đơn ngành, xứng đáng với tầm vóc của một thành phố lớn nhất của cả nước...