Lan tỏa sắc màu Việt Nam qua hơi thở truyền thống

Sáng ngày 31/10, Công đoàn Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức tọa đàm 'Bản sắc Việt qua trang phục dân tộc và nghệ thuật múa', khẳng định vai trò của việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nước nhà.

GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ tại tọa đàm “Bản sắc Việt qua trang phục dân tộc và nghệ thuật múa”. (Ảnh: Phạm Hiền)

GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ tại tọa đàm “Bản sắc Việt qua trang phục dân tộc và nghệ thuật múa”. (Ảnh: Phạm Hiền)

Tham dự tọa đàm có bà Đỗ Ngọc Thủy, Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao; bà Nguyễn Hồng Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Vụ Đông Bắc Á; bà Lý Hải Yến, đại diện Công đoàn Học viện Ngoại giao.

Về phía diễn giả khách mời có GS.TS Thái Kim Lan; nghệ sĩ Đỗ Khắc Thiên, Trưởng đoàn nghệ thuật 19/5; cùng đại diện Công đoàn các bộ, ngành và Đoàn nghệ thuật 19/5.

Tọa đàm tập trung khai thác hai chủ để chính, bao gồm “Bản sắc Việt qua trang phục: Từ y trang đến quốc phục và thời trang trong hoạt động đối ngoại” và “Trang phục Việt trong nghệ thuật biểu diễn múa và một số gợi ý trong tiếp xúc đối ngoại”, đưa ra những lý luận sâu sắc, đề xuất các định hướng tương lai cho việc phát triển trang phục truyền thống Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao.

GS.TS Thái Kim Lan nhấn mạnh mỗi người con đất Việt đều là một “sứ giả văn hóa”. (Ảnh: Phạm Hiền)

GS.TS Thái Kim Lan nhấn mạnh mỗi người con đất Việt đều là một “sứ giả văn hóa”. (Ảnh: Phạm Hiền)

Trao đổi tại tọa đàm, GS.TS Thái Kim Lan nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đặc biệt là các loại trang phục truyền thống, từ đó tôn vinh và lan tỏa, ghi dấu hình ảnh quốc gia tới bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, GS.TS Thái Kim Lan cũng khuyến khích thế hệ trẻ trau dồi vốn hiểu biết cá nhân về văn hóa, lịch sử và những truyền thống lâu đời của đất nước.

"Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển về kinh tế lẫn văn hóa, vì vậy thế hệ trẻ không được phép rụt rè mà luôn phải trau dồi kiến thức để quảng bá bản sắc đất nước ra trường quốc tế”, bà Lan khẳng định.

Với kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ giảng dạy và gắn bó với nước Đức, bà Lan đưa đến những góc nhìn đầy ấn tượng về nhiều lĩnh vực như triết học, văn hóa Việt Nam cũng như toàn cầu, khẳng định mỗi cán bộ ngoại giao, mỗi cá nhân người Việt ở nước ngoài đều là những “đại sứ văn hóa” góp phần xây dựng cho hình ảnh “đặc trưng” của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các tiết mục văn nghệ của Đoàn nghệ thuật 19/5. (Ảnh: Phạm Hiền)

Các tiết mục văn nghệ của Đoàn nghệ thuật 19/5. (Ảnh: Phạm Hiền)

Trao đổi với khách mời và sinh viên Học viện Ngoại giao, GS.TS Thái Kim Lan đề cao tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đa dạng của 54 dân tộc anh em, qua đó truyền cảm hứng để thế hệ trẻ tiếp nối và gìn giữ những giá trị quý báu này.

Bên cạnh chia sẻ của bà Thái Kim Lan, các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật 19/5 đóng góp các tiết mục nghệ thuật truyền thống như múa chén Nhã nhạc Cung đình Huế, múa Nam bộ chăm tượng… trong những bộ trang phục cổ truyền của dân tộc.

Phạm Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-toa-sac-mau-viet-nam-qua-hoi-tho-truyen-thong-292106.html