Giải tỏa tâm lý sợ sai, gỡ nút thắt giải ngân đầu tư công

Dự án Luật Đầu tư công mới được cơ quan soạn thảo kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ 'nút thắt' đang gây ra tình trạng ngân sách công chậm giải ngân đến từng dự án…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Luật Đầu tư công (sửa đổi) là một trong hai dự thảo luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng sẽ được Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, lần này trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã tháo gỡ được một phần "nút thắt" về vốn chờ dự án, có tiền mà không giải ngân được.

"Lần này, Luật mới tháo được mấy điểm. Điểm thứ nhất là sử dụng vốn thường xuyên để chuẩn bị đầu tư, tức là có thể chuẩn bị đầu tư bất kỳ lúc nào. Khía cạnh thứ 2 là khắc phục được tình trạng "phê duyệt dự án mà không có tiền", theo đó giải pháp là phải "nới room" kế hoạch trung hạn và có thể nới được 50% kế hoạch trung hạn năm sau, lúc ấy dự án sẵn sàng và tiền cho dự án cũng sẽ có nhanh hơn", ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dự án luật mới sẽ cụ thể hóa được những tư tưởng lớn trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó phân cấp phân quyền được thể hiện rõ nét.

Thực tế, vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong phân cấp là phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư từ Hội đồng nhân dân sang Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Có 2 luồng ý kiến, một bên ủng hộ phân cấp với ý nghĩa phân cấp tăng cường trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; một bên không đồng tình khi viện dẫn Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì thẩm quyền của Hội đồng nhân dân có quyền quyết định những việc quan trọng của địa phương, trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án.

Đặc biệt, một điểm đột phá mới của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là khắc phục được một phần tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám làm của một số cán bộ khi xác định rõ thẩm quyền và quy trình thực hiện.

Cũng theo ông Phương, nhiều quy định tại 2 dự án luật mới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo sẽ tháo gỡ ngay những ách tắc thực tiễn, điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng. Việc sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tạo căn cứ pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để chấm dứt hoạt động đối với các dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ bổ sung quy định để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Còn việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu nhằm gỡ ngay một vướng mắc trong thực tiễn đấu thầu dự án ODA, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc; tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu…

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn trong sửa đổi luật.

Bảo An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/giai-toa-tam-ly-so-sai-go-nut-that-giai-ngan-dau-tu-cong-post555304.html