Giảm lãi suất vay trong dịch bệnh: Cần hỗ trợ người vay vốn

LTS: Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh đều có khoản vay từ các ngân hàng. Việc khoanh nợ cho doanh nghiệp trong thời gian này là rất cần thiết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến để sửa đổi bổ sung Thông tư 03 về cơ cấu lại nợ. Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có ý kiến đề xuất nên khoanh nợ cho khách hàng trong thời gian thực hiện giãn cách bởi ở thời điểm giãn cách đi lại khó khăn, các giao dịch giữa doanh nghiệp và đối tác kinh doanh không thực hiện để thanh lý hợp đồng…

Giảm lãi suất vay trong dịch bện

Người dân Tánh Linh vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (ảnh tư liệu). Ảnh: Đ.Hòa

Người dân Tánh Linh vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (ảnh tư liệu). Ảnh: Đ.Hòa

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có khoản vay từ các ngân hàng. Trong điều kiện dịch Covid – 19 hoành hành, nhất là một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16 nên mọi giao dịch của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ người vay vốn kịp thời…

Loay hoay tìm nguồn trả nợ

Anh Nguyễn Đạt, Giám đốc Công ty xây dựng ở Phú Trinh vừa trả 25 triệu đồng tiền lãi vay qua đêm hơn 2 tỷ đồng để có tiền đáo hạn cho ngân hàng B. Anh nói trong bức xúc: Đang giãn cách xã hội, mọi thứ ngưng trệ không sản xuất được, các công trình ngưng thi công chưa nhận được tiền từ đối tác nhưng ngân hàng thì thúc ép trả nợ khiến công ty lao đao. Thông qua môi giới anh tìm được người cho vay qua đêm nhưng lãi suất 1%/đêm. Dù vay với lãi suất “cắt cổ” nhưng doanh nghiệp phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” có tiền để trả nợ đúng hạn tránh bị nợ xấu ảnh hưởng về sau không vay được ở các ngân hàng, đây là phương án dù tốn tiền “oan” nhưng có còn hơn không. Bởi hầu hết các doanh nghiệp luôn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng để đầu tư bước đầu. Cùng hoàn cảnh với anh Đạt, anh Sơn vay ngân hàng V. 5 tỷ đồng để đầu tư bất động sản nhưng cả năm nay sàn giao dịch của anh chỉ hoạt động cầm chừng vì dịch Covid-19, tiền lãi không đủ trả cho nhân viên rồi hơn tháng nay thực hiện Chỉ thị 16 văn phòng phải đóng cửa trong khi ngân hàng hối thúc trả nợ. Anh Sơn tâm sự: Tôi vừa làm đơn xin ngân hàng khoanh nợ vì làm ăn khó khăn nhưng nhân viên ngân hàng nói là phải chờ ý kiến cấp trên vì trường hợp của tôi không nằm trong nội quy của chi nhánh về các ngành nghề được hỗ trợ. Kiểu này chắc tôi phải vay lãi nóng để trả nợ cho ngân hàng…

Cần hỗ trợ kịp thời…

Không phải anh Đạt, anh Sơn mà còn hàng trăm khách hàng rơi vào tình thế trả nợ giữa lúc đại dịch Covid – 19 đang hoành hành khiến nhiều ngành nghề sản xuất phải ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp chưa có nguồn trả nợ. Đặc biệt một số vùng trong tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 như La Gi, Phan Thiết… nhiều doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất rồi việc đi lại để giao dịch hợp đồng thu hồi nợ cũng gặp khó khăn nên việc trả nợ cho ngân hàng đang là áp lực rất lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận tổng dư nợ cho vay trên địa bàn hiện nay ước đạt 71.879 tỷ đồng, tăng 3,16% so với đầu năm, nợ xấu trên địa bàn là 780 tỷ đồng, chiếm 1,09% tổng dư nợ, tăng 0,03% so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 15.132 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh đều có khoản vay từ các ngân hàng. Việc khoanh nợ cho doanh nghiệp trong thời gian này là rất cần thiết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến để sửa đổi bổ sung Thông tư 03 về cơ cấu lại nợ. Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có ý kiến đề xuất nên khoanh nợ cho khách hàng trong thời gian thực hiện giãn cách bởi ở thời điểm giãn cách đi lại khó khăn, các giao dịch giữa doanh nghiệp và đối tác kinh doanh không thực hiện để thanh lý hợp đồng… Ở Bình Thuận, do Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc cơ cấu lại nợ tùy thuộc vào nội quy, quy định của mỗi ngân hàng nên việc các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần đang áp dụng mỗi nơi mỗi khác, nơi thì giúp khách hàng giảm lãi, khoanh nợ sớm, nơi thì phải chờ khách hàng làm đơn mới giải quyết… Thiết nghĩ khách hàng vay vốn kinh doanh, sản xuất đang giữa cơn đại dịch, ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong mùa dịch, tạo bước đệm để thời gian tới tái sản xuất…

Trần Thi

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/giam-lai-suat-vay-trong-dich-benh-can-ho-tro-nguoi-vay-von-141159.html