Giảm nợ, tăng ưu đãi, cùng phát triển

Vấn đề giảm nợ cho các nền kinh tế đang phát triển ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh nợ nước ngoài đang đe dọa xóa sổ những thành quả phát triển chung. Đây cũng là đề tài nóng tại các cuộc họp của Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20).

Dự án đường sắt tại Tanzania vay vốn từ IDA. Ảnh: RAILWAYPRO

Dự án đường sắt tại Tanzania vay vốn từ IDA. Ảnh: RAILWAYPRO

Tăng khoản vay ưu đãi

Trong khi tìm giải pháp, các tổ chức trên luôn cân nhắc ưu tiên cung cấp vốn chi phí thấp cho những quốc gia không thể tiếp cận vốn. Một trong những cách tốt nhất là tài trợ hào phóng cho Hiệp hội Phát triển quốc tế của WB (IDA). Đây là nguồn tài chính ưu đãi lớn nhất hỗ trợ các dự án phát triển, gồm các khoản vay, trợ cấp và các loại tài trợ khác có lãi suất thấp hơn giá thị trường. Trên thực tế, đây là phao cứu sinh cuối cùng cho 75 quốc gia nghèo nhất trên hành tinh, cung cấp nguồn tài chính lãi suất thấp khi các quốc gia này không tiếp cận được thị trường toàn cầu và các khoản hỗ trợ phát triển khác bị đình trệ.

Trong 6 thập niên hoạt động, IDA đã giúp các quốc gia cải thiện hệ thống y tế và giáo dục, tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng và phục hồi sau thảm họa. Các quốc gia tài trợ chính cho IDA, dẫn đầu là Mỹ (nước đóng góp lớn nhất), Nhật Bản, Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Trung Quốc, đã cam kết góp 23,5 tỷ USD cho khoản bổ sung gần đây nhất của IDA vào năm 2021. Nhờ xếp hạng tín dụng AAA, IDA có thể phân bổ 93 tỷ USD cho các quốc gia thu nhập thấp.

Đến năm 2022, có 36 quốc gia từng phụ thuộc vào nguồn tài trợ của IDA, trong đó có Angola, Ấn Độ và Hàn Quốc đã củng cố nền kinh tế của mình đủ để không còn cần đến sự hỗ trợ nữa. 20 trong số các quốc gia này hiện nằm trong nửa trên của các quốc gia có GDP bình quân đầu người xếp từ cao xuống thấp và 19 quốc gia hiện tự đóng góp vào IDA. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để đưa các quốc gia tiếp nhận thoát khỏi khủng hoảng. Các khoản đóng góp của các nước bổ sung vào quỹ IDA 3 năm/lần và lần mới nhất vào cuối năm nay (2024).

Chủ tịch WB Ajay Banga đã kêu gọi các nhà tài trợ tăng khoản đóng góp của họ lên tới 25%. Việc yêu cầu thêm tiền là điều khó khăn vào thời điểm các quốc gia giàu có đang phải đối mặt với những hạn chế về tài chính của riêng họ, nhưng không còn khoản đầu tư nào tốt hơn để cải thiện cuộc sống của những người nghèo nhất thế giới. Trong nhiều trường hợp, việc tiếp cận các khoản vay rẻ hơn sẽ đủ để các quốc gia này khôi phục tăng trưởng, hướng tới một thế giới thịnh vượng và ổn định hơn - một kết quả vì lợi ích của tất cả mọi người.

Tài trợ cho tăng trưởng

Một vấn đề nữa là ngay cả khi các khoản quyên góp cho IDA tăng lên, các quốc gia nhận được tiền sẽ vẫn phải vật lộn nếu không có sự xóa nợ trên diện rộng. Bước đầu tiên để thực hiện được sự xóa nợ đó là cải cách Khung chung của G20. Cho đến nay, các bên cho vay vẫn chưa thống nhất được cách chia sẻ chi phí xóa nợ. Các tổ chức tài chính quốc tế cũng cần nghiên cứu nhằm tránh xảy ra các cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu.

Đầu năm 2024, trong một báo cáo của Phòng thí nghiệm tài chính vì phát triển, một nhóm chuyên gia tư vấn có trụ sở tại Paris đã đề xuất một “chương trình bắc cầu”. Ví dụ, các quốc gia đang đối mặt với thách thức về thanh khoản sẽ cam kết đầu tư vào một chương trình tăng trưởng bền vững và toàn diện để đổi lấy nguồn tài trợ bổ sung từ các ngân hàng phát triển đa phương, bao gồm IDA, tạo ra cầu nối đến sự ổn định tài chính. Các chi tiết cụ thể sẽ cần được giải quyết trong từng trường hợp, nhưng cách tiếp cận này cho thấy có triển vọng. Phương án này cũng được các tổng thống châu Phi như Ghana, Kenya và Zambia đồng tình.

Nếu các nhà lãnh đạo của các tổ chức tài chính toàn cầu và các nước giàu không làm tròn cam kết của mình, thì rất có khả năng hàng chục quốc gia sẽ phải chịu cảnh khốn cùng trong một thập niên hoặc lâu hơn. Trong khi đó, với các cải cách và đầu tư đúng đắn, các quốc gia vay nợ có thể thúc đẩy tăng trưởng và thoát khỏi nợ nần.

Bằng cách giúp các nước nghèo thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ, các chính phủ phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế có thể mở ra nhiều nguồn tài trợ hơn cho đổi mới và phát triển, nhất là tại châu Phi. Sự hỗ trợ theo đúng cam kết có thể giải phóng các nguồn lực để xây dựng khả năng phục hồi lâu dài trong hệ thống y tế và lương thực. Cùng nhau, các nhà lãnh đạo thế giới có thể viết nên một câu chuyện mới - câu chuyện kết thúc bằng một chu kỳ phát triển tích cực của toàn thế giới.

HUY QUỐC tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giam-no-tang-uu-dai-cung-phat-trien-post761504.html