Giám sát thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp

PTĐT - Ngày 7/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Cao Đình Thưởng - TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp...

PTĐT - Ngày 7/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Cao Đình Thưởng - TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2016 - 2019 tại Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và Trường Cao đẳng Công thương Phú Thọ. Tham gia đoàn giám sát có đồng chí Lê Thị Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.Tại các điểm giám sát, đoàn đã khảo sát việc ban hành văn bản và công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về GDNN, kết quả tổ chức thực hiện. Việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; việc sát nhập, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN… Đồng thời đánh giá những kết quả đạt được, xác định nguyên nhân những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về GDNN trong thời gian tiếp theo.Báo cáo với đoàn giám sát, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2019, nhà trường đã thực hiện cơ bản đầy đủ các chính sách, pháp luật về GDNN. Hàng năm, có khoảng 200-300 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy; 85% sinh viên ra trường có việc làm; các cơ sở lao động đánh giá tốt về năng lực, kỹ năng làm việc của sinh viên. Đối với Trường Cao đẳng Công thương Phú Thọ hiện nay đang đào tạo 3 cấp trình độ Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp với tổng số 28 ngành, nghề. Giai đoạn 2016-2019, nhà trường đã đào tạo được 3.720 học sinh, sinh viên và trên 22.000 người học ngắn hạn… Qua 5 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các trường đào tạo nghề còn gặp một số vướng mắc về nguồn kinh phí; trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập; công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của các trường cùng cấp, cùng ngành; một số quy định còn trùng chéo... Nếu kiến nghị, đề xuất với đoàn giám sát, các trường đề nghị sắp xếp hệ thống đào tạo về một mối, không để khối đào tạo đại học và đào tạo nghề tách biệt như hiện nay vì sẽ tạo sự không đồng bộ, gây khó khăn trong liên thông đào tạo, gây phân biệt giữa các hệ thống đào tạo; Sớm ban hành Luật Nhà giáo; Xây dựng chính sách sử dụng lao động, mức lương và thu nhập tối thiểu để khuyến khích người lao động học nghề trước khi tham gia thị trường lao động; có chính sách phù hợp để thu hút giáo viên có tay nghề cao vào giảng dạy tại các cơ sở GDNN. Sớm có quy định học phí cho khối GDNN, chính sách tự chủ của khối GDNN và cắt giảm các thủ tục hành chính trong GDNN; Bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho đào tạo…Thay mặt Đoàn giám sát đồng chí Cao Đình Thưởng tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến cũng như kiến nghị về những tồn tại, khó khăn của hai trường. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội và đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp thu, sớm giải quyết những kiến nghị xác đáng để các hoạt động GDNN đạt hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/hdnd-nhiem-ky-2016-2021/202009/giam-sat-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-giao-duc-nghe-nghiep-172887