Giảm úng ngập trong sản xuất nông nghiệp: Cần giải pháp đồng bộ

Những ngày qua, mặc dù các doanh nghiệp thủy lợi Hà Nội đã chủ động vận hành công trình tiêu úng nhưng hàng trăm héc ta sản xuất nông nghiệp vẫn chìm trong nước... Thực tế này đặt ra nhiệm vụ trước mắt là các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi phải tập trung cao độ để cứu lúa, rau màu; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ngập úng để ứng phó với thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.

Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy vận hành trạm bơm tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ).

Nguy cơ thiệt hại lớn

Là huyện có địa hình cao, nhiều hướng tiêu úng bằng trọng lực, nhưng sau 3 ngày xảy ra đợt mưa lớn, huyện Ba Vì vẫn còn 872ha sản xuất nông nghiệp bị úng ngập; trong đó có tới 254ha lúa, 74,93ha rau màu, 83ha nuôi trồng thủy sản ngập trắng,... nguy cơ thiệt hại rất lớn. Chứng kiến hơn 5 sào lúa của gia đình đang kỳ làm đòng bị ngập trong “biển nước”, bà Nguyễn Thị Hòa, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) lo lắng: “Nếu 2 ngày tới mà không vợi nước thì vụ lúa này coi như mất mùa... Vì thế, tôi rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện để tiêu thoát nước nhanh, giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân”.

“Ngay khi nhận được tin mưa lớn, xí nghiệp đã chủ động bơm toàn bộ nước đệm tại khu vực nội đồng. Công việc vừa hoàn tất, mưa lớn bắt đầu đổ xuống, nước trong đồng và ngoài sông đều dâng nhanh. Mặc dù xí nghiệp đã bố trí 14 trạm bơm với 31 tổ máy nhưng vì nước sông dâng cao nên chỉ vận hành 12-14 tổ máy bơm. Nếu kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng thoát nước tốt hơn, xí nghiệp sẽ vận hành toàn bộ máy móc với công suất tối đa thì chắc chắn việc chống úng sẽ hiệu quả hơn nhiều...”, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết.

Huyện Chương Mỹ được coi là “rốn nước” của khu vực phía Tây thành phố. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học cho biết, đợt mưa vừa qua đã làm 395ha lúa, hoa màu của 10 xã vùng ven sông Bùi bị úng ngập. Tính đến ngày 21-8, trên địa bàn huyện vẫn còn gần 100ha ngập 1/3 thân lúa... Cũng trong đợt mưa vừa qua, hơn 200ha lúa tại các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây... bị ngập sâu trong nước. Tính đến ngày 21-8, các huyện, thị xã nêu trên còn khoảng 90ha ngập 1/2 thân lúa...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 60% công trình thủy lợi xây dựng cách đây khoảng 30-40 năm. Do xây dựng lâu năm, bị xuống cấp nên hệ thống thủy lợi của Hà Nội chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu úng với lượng mưa lớn dưới 200mm/3 ngày. Tuy nhiên, đợt mưa vừa qua, nhiều lưu vực có lượng mưa lớn hơn nên việc tiêu thoát chậm hơn. Ngoài hạn chế về năng lực công trình, các sông: Nhuệ, Tích, Bùi, Đáy... là trục tiêu chính nhưng đang bị bồi lắng, thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát dòng chảy.

Phát huy năng lực tiêu thoát nước

Từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ xuất hiện nhiều trận mưa với cường độ mạnh hơn... Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân khu vực ngoại thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, trước mắt các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi tập trung vận hành toàn bộ công trình tiêu úng cho diện tích bị úng ngập bảo đảm thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực nước trên các triền sông để điều tiết nước tưới, tiêu cho lúa vụ mùa linh hoạt và chủ động...

Thực hiện chủ trương trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, các xã, thị trấn đã huy động hàng trăm lượt người đắp bờ chống tràn cho tuyến kênh tiêu Cổ Đô - Vạn Thắng, tạo thuận lợi cho Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì vận hành tối đa công suất trạm bơm, tiêu úng cho diện tích còn úng ngập. Về lâu dài, đối với một số diện tích có khả năng ngập sâu, lâu ngày, các xã, thị trấn sẽ hướng dẫn người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, để giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trong những đợt mưa tới, các xã vùng sông Bùi đã phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để sẵn sàng lắp đặt trạm bơm dã chiến, khoanh vùng chống úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao... “Để tiêu thoát nhanh diện tích úng ngập, huyện Chương Mỹ đề nghị các sở, ngành tham mưu với UBND thành phố đẩy nhanh xây dựng các trạm bơm: An Sơn, Yên Duyệt I, Đồng Cò, Đồi Hương, Đầm Mới... Đặc biệt, thành phố cho nghiên cứu xây dựng tuyến kênh lái lũ rừng ngang giúp bảo đảm an toàn cho các xã vùng hữu Bùi...”, ông Nguyễn Minh Ngọc thông tin thêm.

Ngoài những nhiệm vụ trên, hiện nay, các huyện và doanh nghiệp thủy lợi đang tập trung phân loại, triển khai kế hoạch xử lý, giải tỏa các vi phạm pháp luật thủy lợi, trong đó, kiên quyết xử lý công trình vi phạm cản trở dòng chảy... Chỉ khi các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, các công trình thủy lợi của Hà Nội mới phát huy năng lực tiêu thoát nước bảo vệ sản xuất nông nghiệp...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/976690/giam-ung-ngap-trong-san-xuat-nong-nghiep-can-giai-phap-dong-bo