Giáo viên trăn trở việc triển khai Chương trình GDPT 2018 và phương án thi tốt nghiệp THPT 2025: Bộ trưởng GD&ĐT nói gì?
Theo nhiều giáo viên, việc tích hợp các môn KHTN và KHXH còn bất cập. Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK mới đối với cấp THPT theo lộ trình đến nay đã triển khai tới lớp 11. Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh đều chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ như thế nào.
Nhiều băn khoăn khi triển khai Chương trình GDPT 2018 và thời gian công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sáng 15/8, cô Hoàng Hải Vân - giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ, qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS gặp những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn KHTN và KHXH còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả.
Cô giáo Hoàng Hải Vân đại diện cho các thầy giáo, cô giáo của tỉnh Khánh Hòa mong Bộ trưởng GD&ĐT có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp. Theo đó, việc yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ Chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này.
Cô Vân mong Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ. Ngoài ra, việc thực hiện nhiều bộ SGK, học sinh chọn tổ hợp môn như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.
"Bản thân là một giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh học sinh nên cũng có những trăn trở nhất định như: việc chuyển trường của học sinh gặp khó khăn; việc tổ chức thi/xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10, ĐH, CĐ; thi học sinh giỏi các cấp sẽ như thế nào; phương án thi/xét tốt nghiệp, tuyển sinh trong những năm tới", cô Vân chia sẻ:
Cũng tại buổi gặp gỡ, cô Nguyễn Thị Thiều Hoa - giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK mới đối với cấp THPT theo lộ trình đến nay đã triển khai tới lớp 11. Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh đều chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ như thế nào. "Vì vậy, tôi mong Bộ GD&ĐT sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, định hướng về kì thi tốt nghiệp THPT 2025 và tuyển sinh Đại học để giáo viên được biết".
Dự kiến quý 4 sẽ công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cũng là điểm khó, điểm nghẽn.
Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.
"Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Tinh thần là nếu chưa phù hợp thì sẵn sàng và dũng cảm điều chỉnh".
Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, dự kiến quý 4/2023, phương án thi sẽ được công bố.
Cũng tại buổi gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, chia sẻ về vấn đề liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận, đây là vấn đề nhức nhối cần được chặn tận gốc.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thời gian qua số nữ sinh tham gia vào bạo lực có xu hướng tăng. Biểu hiện và diễn biến của bạo lực học đường là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm. "Bộ GD&ĐT đã giao các Vụ, Cục chức năng tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra giải pháp. Trước tiên, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bạo lực học đường ở đơn vị mình".
Trong nhiều giải pháp tổng thể, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đến giải pháp phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự xử lý với những vấn đề mình phải đối mặt. Cùng với đó, trang bị cho các em về thái độ đúng đắn khi tham gia mạng xã hội. Mặt khác, đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, nâng cao vai trò và kỹ năng xử lý vấn đề của giáo viên chủ nhiệm.