Giàu nghèo là do thể chế!

Có lẽ sẽ có nhiều người Việt nhận ra tên tuổi các nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm nay vì hai trong số ba người này chính là tác giả của cuốn sách được đọc nhiều ở Việt Nam - cuốn 'Tại sao các quốc gia thất bại' (Why Nations Fail) của Daron Acemoglu và James Robinson. Cùng với Simon Johnson, ba ông được trao giải tưởng niệm Nobel về kinh tế năm nay nhờ các công trình nghiên cứu về sự cách biệt giàu nghèo giữa các nước.

Có lẽ nên nhắc lại ý chính của cuốn sách để chúng ta có thể hiểu quan điểm của các tác giả. Vì sao có nước cứ giàu lên bất kể các yếu tố bất lợi như tài nguyên nghèo nàn, vị trí địa lý không thuận lợi, thời tiết khắc nghiệt trong khi có những nước khác, có những lợi thế như những mỏ dầu lớn vẫn cứ lụi tàn trong nghèo đói.

Theo Acemoglu và Robinson đó là bởi sự khác biệt về thể chế. Sự hưng thịnh, giàu có sẽ đến với những nước có thể chế dung hợp, mọi người được khuyến khích tham gia vào các hoạt động kinh tế, các vấn đề của xã hội được mọi người cùng ngồi lại với nhau luận bàn và giải quyết. Còn trong một thể chế khai thác, quyền lực tập trung vào một số ít các nhóm lợi ích, nắm phần lớn tài sản quốc gia và khai thác cạn kiệt tài nguyên của đất nước - trước sau gì đất nước đó sẽ suy vong.

Giải Nobel Kinh tế năm nay cũng nói cùng câu chuyện như vậy, nghiên cứu của các nhà kinh tế đoạt giải xoay quanh mối quan hệ giữa thể chế và tăng trưởng kinh tế. “Các xã hội có nền pháp trị yếu kém và thể chế bóc lột dân chúng không tạo ra tăng trưởng hay thay đổi ngày mỗi tốt hơn” - Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển giải thích lý do trao giải - “Nghiên cứu của các nhà khoa học được trao giải năm nay giúp chúng ta hiểu vì sao”.

Nghiên cứu của các nhà kinh tế đoạt giải dẫn giai đoạn các nước châu Âu tỏa ra khắp thế giới vào thời thực dân để minh họa cho lập luận của mình. Có nơi, các nước thực dân đưa ra các thể chế nhằm mục đích khai thác người dân thuộc địa, bòn rút tài nguyên để có lợi cho giới cai trị; đó thường là các nước thuộc địa đông dân, mức sống đã khá cao, vàng bạc khá nhiều.

Cũng có nơi, thường là ít dân, đất đai còn rộng lớn, các nước thực dân châu Âu lại xây dựng những hệ thống chính trị và kinh tế dung hợp do nhắm đến lợi ích lâu dài của dân châu Âu di cư sang sinh sống. Chẳng hạn trong khi đế quốc Aztec nằm ở miền trung Mexico giàu có, đông đúc hơn Bắc Mỹ vào đầu thời kỳ các nước châu Âu đổ sang tìm thuộc địa nhưng nay, số phận thay đổi, Mỹ và Canada lại hưng thịnh gấp Mexico nhiều lần.

Tại buổi họp báo sau khi công bố giải, Acemoglu nhận định: “Thay vì hỏi chủ nghĩa thực dân là tốt hay xấu, chúng ta ghi nhận các chiến lược thực dân khác nhau đã dẫn đến các khuôn mẫu thể chế khác nhau, kéo dài cho đến nay”. Thậm chí các nhà nghiên cứu còn cho rằng ở những vùng đất khác trên thế giới nơi không diễn ra quá trình thực dân hóa, sự đảo ngược số phận đã không xảy ra. Thêm nữa, các tiến bộ công nghệ chỉ bền vững ở những nơi có thể chế dung hợp có lợi cho toàn bộ người dân.

Tuy nhiên, trước đây đã có nhiều ý kiến phê phán cách lý giải sự thịnh suy của các nước chỉ bằng thể chế dung hợp hay khai thác vì cho rằng cách nhìn như thế đã đơn giản hóa hàng trăm biến số khác tác động lên con đường phát triển của các nước.

Ngoài cuốn “Why Nations Fail”, năm ngoái hai ông Acemoglu và Johnson là đồng tác giả cuốn “Quyền lực và Tiến bộ: Cuộc đấu tranh 1.000 năm của chúng ta về công nghệ và thịnh vượng”. Trong cuốn này các tác giả nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) dưới góc nhìn của các cuộc đấu tranh lịch sử giành lợi ích kinh tế từ các tiến bộ công nghệ. Ở góc độ này, ông Acemoglu tỏ ra không tin vào sự cường điệu hóa về lợi ích kinh tế của AI tạo sinh.

Acemoglu (57 tuổi, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ) và Johnson (61 tuổi) là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) còn Robinson (64 tuổi) là giáo sư tại Đại học Chicago. Giá trị giải thưởng năm nay là 11 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 26 tỉ đồng) sẽ được chia đều giữa ba ông.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giau-ngheo-la-do-the-che/