Giữ điệu cồng chiêng

Xã Tu Vũ được mệnh danh là 'thủ phủ' của dân tộc Mường ở huyện Thanh Thủy với dân số chiếm trên 70%. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tổ tiên đang dần bị mai một trong đời sống hiện đại, nhiều thế hệ nghệ nhân tâm huyết đã tìm về những mảnh đất cội nguồn của người Mường mang những loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có cồng chiêng về phục dựng tại địa phương và truyền dạy cho thế hệ sau.

Trong văn hóa Mường, cồng chiêng được tấu chủ yếu bởi phụ nữ

Trong văn hóa Mường, cồng chiêng được tấu chủ yếu bởi phụ nữ

Cồng chiêng là nhạc cụ mang giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà và giữ gìn qua nhiều thế hệ.

Nghệ nhân Đinh Văn Chiến (khu 18 xã Tu Vũ) năm nay đã 57 tuổi và có thâm niên 17 năm tìm hiểu, phục dựng và lan tỏa tình yêu văn hóa Mường, trong đó có cồng chiêng. Trong ký ức từ nhiều năm về trước, ông Chiến được bà, được mẹ địu trên lưng tham gia hội làng, nghe những làn điệu hát Ví, hát Rang, cồng chiêng... nên từ sớm tâm hồn người thanh niên ấy đã nhuốm đẫm màu sắc phong phú văn hóa truyền thống của tổ tiên. Năm 2007, ông Chiến đã tìm về mảnh đất cội nguồn của người Mường là Hòa Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn... để sưu tầm các làn điệu cồng chiêng, hát Ví, hát Rang, hát Đúm, bộ mệnh (nói chuyện), hát ru, đâm đuống...

Giới thiệu với khách phương xa về cồng chiêng của người Mường, nghệ nhân Đinh Văn Chiến say sưa: “Một bộ cồng chiêng của người Mường có 12 chiếc, chia làm 3 bộ gồm Chiêng Tlé, chiêng Bồng và chiêng Dàm. Người Mường có 24 lễ hội sử dụng cồng chiêng như trong lễ mừng nhà mới, thành hôn, lễ hội xuống đồng... Khác với đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên, người đánh cồng chiêng là nam giới thì đồng bào Mường, người đánh cồng chiêng chủ yếu là phụ nữ”.

Nụ cười tươi duyên dáng của người phụ nữ trong những làn điệu hát hội

Nụ cười tươi duyên dáng của người phụ nữ trong những làn điệu hát hội

Một bộ cồng chiêng có 12 chiếc. Con số 12 thể hiện 12 tháng trong năm với sự hội tụ thanh sắc 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chiêng Tlé (poóng, lắp, chót) gồm chiêng số 1 đến chiêng số 4 phát ra âm vực cao nhất trong giàn. Chiêng Bồng (Bòng Ben) là chiêng số 5 đến số 8 có kích thước, âm vực trung bình. Chiêng Dàm (Khầm) là chiêng số 9 đến 12 có kích thước lớn nhất và âm vực trầm nhất.

Trong sinh hoạt văn hóa của người Mường như: Hát Sắc Bùa, lễ cưới, đi săn, kéo gỗ, dựng nhà, tang lễ, tết cơm mới, khi gặp thú dữ... bản Mường đều rộn rã tiếng cồng chiêng thúc giục. Ngày xuân, bản Mường thường tổ chức thành những phường cồng chiêng đi chúc Tết các gia đình gọi là Sắc Bùa. Mỗi phường thường có 15 đến 30 người mang cồng chiêng cùng với các tặng phẩm như gạo tẻ, gạo nếp, bánh trái, trầu cau... đi chúc phúc cho từng nhà. Khi bắt đầu đi, phường tấu bài “Đi đường”, đến nhà nào thì tấu bài “Chúc phúc”. Với lễ cưới, khi đón dâu thì dùng loại Tlé làm chiêng Dóng, khi vào cuộc Rằng Thường (hát giao lưu giữa hai họ) thì dùng loại chiêng Dàm với âm sắc dịu dàng, trầm bổng. Cồng chiêng giúp điểm nhịp, cổ vũ các giọng hát khi giao lưu tạo nên không khí vui nhộn. Trong việc tang lễ, gia đình sẽ đổ liền ba hồi chiêng để báo hiệu cho người dân biết...

Hình dáng chiếc cồng của người dân tộc Mường

Hình dáng chiếc cồng của người dân tộc Mường

Vì tầm quan trọng của cồng chiêng trong văn hóa Mường, năm 2018, nghệ nhân Đinh Văn Chiến khởi xướng phong trào phục dựng lại làn điều cồng chiêng và được đông đảo người dân ở xã Tu Vũ ủng hộ. Hiện nay, 50 thành viên của câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Mường do ông Chiến sáng lập vẫn sinh hoạt đều đặn vào các buổi tối cuối tuần, trong câu lạc bộ có thành viên trẻ nhất sinh năm 2010.

Theo thống kê, xã Tu Vũ hiện còn lưu giữ khoảng trên chục bộ cồng chiêng, đâm đuống, 5 nhà sàn và 40 bộ trang phục truyền thống. Đa số là người dân tự bỏ tiền mua sắm cho thấy ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống dần được nâng lên. Đặc biệt, Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2020-2025 định hướng 2030 với nguồn kinh phí trên 8,6 tỷ đồng do xã Tu Vũ xây dựng đã tiếp sức cho Nhân dân trên hành trình giữ gìn văn hóa tổ tiên trong cuộc sống hiện đại.

Đến nay, một số công trình, phần việc đã thành hình như nhà trưng bày truyền thống văn hóa dân tộc Mường tại trung tâm xã, nhân rộng các câu lạc bộ, đội văn nghệ trình diễn văn hóa dân tộc Mường, mua sắm thêm 13 bộ cồng chiêng, mở các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa Mường...

Đồng chí Khuất Đình Quân - cán bộ văn hóa xã Tu Vũ cho biết: “Thông qua thực hiện đề án đã huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Mường trên địa bàn. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, nhân lên trở thành phong trào sâu rộng, thường xuyên, liên tục trong đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Dù trải qua bao thăng trầm, biến cố nhưng những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, trong đó có các làn điệu cồng chiêng vẫn sẽ sống mãi trong tâm thức của Nhân dân.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giu-dieu-cong-chieng-221334.htm