Giữ vững tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo môi trường phát triển kinh tế - xã hội

Tuần qua, Quốc hội bước vào tuần làm việc đầu tiên của Đợt 2, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; nghe Báo cáo thẩm tra về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023; Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng ngày 23/11. Ảnh: Phạm Thắng

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng ngày 23/11. Ảnh: Phạm Thắng

Ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội được nâng cao

Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trình bày báo cáo về công tác Tòa án, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, ngành Tòa án đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như: vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao... Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với các báo cáo, cho rằng, khối lượng công việc của các ngành Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp đều tăng cao, nhưng kết quả thực hiện đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các ngành. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý xã hội, quản lý kinh tế được phát hiện, sửa chữa, ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội được nâng cao, nhân dân tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Để công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả hơn, đại biểu Quốc hội đề nghị các báo cáo cần thể hiện nhiều hơn các kiến nghị để hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp và chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với số lượng, tính chất công việc, địa bàn phát triển. Đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, đã đạt được những kết quả nhất định, một số đại biểu nhấn mạnh đến công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, tiêu cực ngay trong hoạt động tư pháp, đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm.

Thể chế hóa đầy đủ chủ trương về bảo hiểm xã hội

Một trong những dự án luật “làm nóng” nghị trường trong tuần qua, đó là dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn về chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn, trở thành trụ cột an sinh xã hội chính, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội trước áp lực già hóa dân số, tác động của cách mạng, khoa học công nghệ đến thị trường lao động và những bất cập trong bảo hiểm xã hội hiện hành; đảm bảo kế thừa, ổn định và phát triển.

Theo các đại biểu, cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật liên quan và đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm thời gian đóng bảo hiểm... để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đặc biệt là các nguồn lực tài chính, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Phát biểu giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, vấn đề trợ cấp hưu trí xã hội là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là cao tuổi và không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hằng tháng và để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn.

Về bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, những vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp, thuộc về quy định của luật, quy định của văn bản dưới luật, hoặc do tổ chức thực hiện để có định hướng tiếp thu, sửa đổi cho đúng, toàn diện. Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-vung-tinh-hinh-an-ninh-trat-tu-an-toan-xa-hoi-dam-bao-moi-truong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post469463.html