Gỡ 'bài toán khó' cai nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng (kỳ 2)

Mặc dù công tác quản lý người nghiện, cai nghiện và giúp những người lầm lỡ, cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, song đánh giá của Chính phủ và Bộ Công an cho thấy, hoạt động này vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là đặt trong bối cảnh tình hình sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và mua bán trái phép ma túy đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều 'điểm nóng' cả ở khu vực và trên thế giới.

Những con số buốt lòng

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó số người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi lao động. Số người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, ảo giác tăng cao. Hậu quả khủng khiếp của tác hại ma túy đối với toàn xã hội ở tất cả các mặt, không chỉ khiến suy thoái giống nòi, băng hoại những phẩm giá tốt đẹp của con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn là nguyên nhân phát sinh, gia tăng các loại tội phạm.

Thống kê, hiện cả nước có 129 điểm và 11 tụ điểm phức tạp về ma túy; 2.315 cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT tiểm ẩn nguy cơ hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy. Tính đến 14/2/2024, toàn quốc có 223.715 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (chiếm 0,23% dân số cả nước).

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên tham gia lao động trị liệu.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên tham gia lao động trị liệu.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cũng đánh giá, ma túy đã trở thành một trong các mối đe dọa an ninh phi truyền thống hàng đầu (cùng với các loại tội phạm khác như khủng bố, rửa tiền, mua bán người, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao...), gây ra thách thức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, quốc tế, cũng như tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy được xác định là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương.

Qua các chuyên án lớn về ma túy, đấu tranh với tội phạm hình sự trên địa bàn TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội tổng kết: Để có tiền sử dụng ma túy, các đối tượng nghiện ma túy luôn tiềm ẩn nguy cơ cao phạm tội và vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp tài sản, giết người, thậm chí giết người thân; hành nghề mại dâm; tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy... Do bị kích thích sau khi sử dụng chất ma túy, nhiều người đã phạm các tội về gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, đua xe trái phép, vi phạm luật giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa trật tự an toàn xã hội và làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Đặc biệt, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi, “ngáo đá”, gây ra các vụ án giết người dã man, TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Hiện nay, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có ở tất cả các địa phương, ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi; song chủ yếu và ngày càng lan rộng trong thế hệ trẻ, tác động xấu về đạo đức, lối sống, sức khỏe, tri thức của hàng vạn thanh, thiếu niên, ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động của xã hội, đến tương lai tiền đồ của dân tộc. Theo báo cáo thống kê, gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50%, gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy đang ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%; tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện là 28,58%. Đây là bài toán nan giải trong giải quyết tình trạng nghiện và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ khi triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đến nay, số người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý: vi phạm hành chính: 23.044 người (chiếm 58,4% trên tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy); phạm tội: 5.770 người (chiếm 14,6% trên tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy).

Trong đó, phạm tội về ma túy: 5.061 người (chiếm 87,7%); phạm tội khác 709 (gồm: giết người, cố ý gây thương tích, cướp giật, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng...). Số người nghiện ma túy vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý: vi phạm hành chính: 22.099 người (chiếm 13,2% trong tổng số người nghiện); phạm tội: 10.183 người (chiếm 17% trong tổng số người nghiện), trong đó: phạm tội về ma túy: 8.859 người (chiếm 87,1% trong tổng số người nghiện phạm tội); phạm tội khác 1.324 (giết người, cố ý gây thương tích, cây rối trật tự công cộng, cướp giật, trộm cắp tài sản...)

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn pháp luật ATGT, Cục CSGT, Bộ Công an đánh giá, tình trạng lái xe, nhất là lái xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dương tính với ma túy tiếp tục gia tăng. Tính từ năm 2021 đến 30/12/2023, lực lượng Công an đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 6.555 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy; số trường hợp vi phạm có xu hướng gia tăng qua các năm. Đặc biệt, hiện nay, đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó chất ma túy gây ảo giác mạnh nhất là ma túy tổng hợp dạng “đá”. Khi sử dụng ma túy “đá”, lái xe sẽ bị ảo giác và không làm chủ được quá trình điều khiển phương tiện giao thông, là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Bên cạnh những tác động trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, ma túy hiện nay trở thành một trong những nguy cơ đe dọa đến vấn đề an ninh quốc gia. Đáng chú ý, trên thế giới, các tổ chức khủng bố quốc tế gia tăng lợi dụng triệt để hoạt động sản xuất, mua bán ma túy để gây quỹ, củng cố nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động khủng bố. Nguy cơ các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn mua chuộc, kích động những người lạc hậu, số lưu manh, số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng phạm tội về ma túy để tham gia thực hiện các hoạt động như khủng bố, phá hoại, thậm chí bạo loạn, phá rối an ninh các nước...

Thiếu thốn cơ sở cai, các hoạt động sau cai

Trong thời gian qua, Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường rà soát, thống kê, lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và sau cai nghiện ngay từ địa bàn cấp xã để quản lý chặt chẽ; đồng thời số người nghiện ma túy được áp dụng các biện pháp cai nghiện theo quy định, phòng ngừa phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Đa số người sử dụng trái phép chất ma túy được lập danh sách quản lý. Trong 2 năm triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, lực lượng Công an cấp xã đã tham mưu Chủ tịch UBND cùng cấp ra quyết định quản lý 57.932 người sử dụng trái phép chất ma túy, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ theo quy định.

Công tác xác định tình trạng nghiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số người được xác định tình trạng nghiện năm 2023 tăng 24,2% so với năm 2022. 100% các tỉnh công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện xác định tình trạng nghiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế hiện đã công bố 7.450 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, trong đó số cơ sở thuộc ngành Y tế quản lý có 7.381 cơ sở (157 cơ sở tuyến tỉnh, 792 cơ sở tuyến huyện, 6.432 cơ sở tuyến xã và 10 cơ sở y tế tư nhân), 27 cơ sở do ngành Công an quản lý và 32 cơ sở do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Đặc biệt, số cơ sở y tế xác định tình trạng nghiện tuyến xã (tăng 2,3 lần so với năm 2020 và chiếm 61% số xã trong toàn quốc). Cả nước hiện có 12.077 bác sỹ, y sỹ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện (tăng 3.176 bác sỹ, y sỹ (tăng 36%) so với năm 2022).

Thống kê của Chính phủ cho thấy, hiện cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy. Từ năm 2021-2023, các cơ sở cai nghiện đã tổ chức cai nghiện cho 131.718 lượt người. Cả nước hiện có 444 đơn vị tại 36 tỉnh, thành phố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, trong đó 439 đơn vị công lập và 5 đơn vị dân lập, tăng 401 đơn vị (tăng 932%) so với năm 2022.

Dù vậy, tại phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập (3 tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện ma túy: Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang); 81/97 cơ sở có đủ diện tích đất tự nhiên để tổ chức hoạt động theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Chỉ có 32/97 cơ sở cai nghiện ma túy có đủ diện tích xây dựng phòng ở để tổ chức hoạt động theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, hầu hết các cơ sở hiện nay chưa đáp ứng đủ trang thiết bị tối thiểu theo quy định, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, điều trị, cai nghiện ma túy. Tổng số viên chức, người lao động làm việc trong cơ sở cai nghiện ma túy là 6.978 người; lương và chế độ phụ cấp hiện nay thấp, ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng công việc của người lao động. Hiện nay, mới có 36 tỉnh, thành phố công bố đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (444 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng). Cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập với quy mô từ 100 đến 300 học viên, trong đó quy mô 300 học viên chỉ có 2 cơ sở.

Hiện nay, có một thực tế đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện phần lớn chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Thống kê của Chính phủ cho thấy, toàn quốc có hơn 1.600 cán bộ tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, 24.000 cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Phần lớn những người này mới được giao thêm nhiệm vụ tham gia công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy nhưng chưa được đào tạo, tập huấn về công tác này. Do vậy, trong quá trình xem xét, quyết định thời hạn cai nghiện ma túy, miễn, hoãn, giảm thời gian cai nghiện ở một số địa phương chưa thống nhất, ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả của công tác tổ chức cai nghiện.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/go-bai-toan-kho-cai-nghien-ma-tuy-va-tai-hoa-nhap-cong-dong-ky-2--i749299/