Gỡ khó chính sách để huy động doanh nghiệp di dời hộ dân trên kênh rạch ở TP.HCM

Sử dụng nguồn kinh phí ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa để di dời các hộ dân dọc kênh rạch ở TP.HCM. Việc huy động nguồn lực xã hội cần phải tháo gỡ vướng mắc về chính sách. Đây là vấn đề được bàn tại hội thảo khoa học vấn đề nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM tổ chức chiều 13/11.

Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nội thành TP.HCM có 5 tuyến kênh, rạch chính cùng với các nhánh rạch nhỏ, với tổng chiều dài hơn 105km. Tình trạng lấn chiếm đất làm chỗ ở của các hộ dân khiến lòng kênh bị thu hẹp. Với nỗ lực của lãnh đạo TP.HCM từ năm 1993 đến nay đã giải tỏa, di dời, tái định cư các hộ sống ven kênh rạch, từ đó cải tạo được cảnh quan một số kênh rạch của TP, điển hình như: Kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè.

Hội thảo khoa học vấn đề nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM tổ chức chiều 13/11

Hội thảo khoa học vấn đề nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM tổ chức chiều 13/11

Trong giai đoạn 1993 đến 2005, việc giải tỏa di dời luôn đạt chỉ tiêu 100%. Nguyên nhân chủ yếu do, TP.HCM đã áp dụng chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, tạo nguồn vốn đầu tư khu tái định cư, để di dời hộ sinh sống trên và ven kênh rạch đến nơi ở mới khang trang và sạch đẹp.

Từ 2016 đến 2020 kết quả đạt được khá khiêm tốn. Cụ thể, TP.HCM di dời được 2.479 căn trên tổng số 20.000 căn theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 12,4% so với chỉ tiêu. Các dự án hoàn thành, chủ yếu sử dụng vốn ngân sách, nhưng đa số cũng chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư từ vốn ngân sách, trong khi chưa kêu gọi được dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Tiến sĩ Dư Phước Tân cho biết, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để di dời các hộ dân sống ven kênh rạch đã được TP.HCM triển khai bằng phương thức Đổi đất lấy hạ tầng (BT) nhưng Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực dẫn đến một số vướng mắc về pháp lý. Việc để doanh nghiệp khai thác đất tại chỗ sau khi giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch cũng không mang lại thành công.

Ở thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thì cần vận dụng Nghị quyết để huy động nguồn lực di dời nhà ven kênh rạch.

Tiến sĩ Dư Phước Tân nói thêm: “Quy định về quản lý đầu tư, Hội đồng nhân dân thành phố có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị thì nên chăng chúng ta khai thác để lấy ngân sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức cuộc sống cho những hồ trên và ven kênh, rạch?”.

Còn Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm-Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, trong di dời các hộ dân ven kênh rạch cần phải có một cái nhìn tổng quan, trong đó có đóng góp của doanh nghiệp. Cụ thể là nhiều dự án kênh rạch ở Quận 7, Quận 8, huyện Nhà Bè… giờ đang trở nên sạch, đẹp vì có sự góp sức của doanh nghiệp.

Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm-Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM

Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm-Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm, hiện nay TP.HCM chưa huy động được sức của doanh nghiệp vào việc cải tạo kênh rạch, bởi nhiều quy định đang gây khó khăn thậm chí Quyết định 22 năm 2017 quy định về quản lý, sử dụng hàng lang trên bờ sông, suối, kênh rạch và hồ công cộng do UBND TP.HCM ban hành được xem là một bước lùi khi hạn chế khả năng khai thác mặt sông, khai thác cảnh quan trên sông. Quy hoạch tổng thể của TP.HCM năm 2013 cũng khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư dự án ven sông.

“Hãy tư duy bằng cách: Chúng ta cùng hưởng lợi, chúng ta cùng trách nhiệm, chúng ta cùng có lợi thì mới giải quyết được vấn đề. Còn chúng ta chỉ nhìn một phía Nhà nước có lợi mà không nhìn thấy cái lợi của nhà đầu tư thì cái này chúng ta thua. Sẽ chẳng có nhà đầu tư nào vào cả trong bối cảnh chúng ta gây cái khó khăn về mặt pháp lý”, ông Thiểm nêu ý kiến.

Việt Đức/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/go-kho-chinh-sach-de-huy-dong-doanh-nghiep-di-doi-ho-dan-tren-kenh-rach-o-tphcm-post1058966.vov