Gom bụi vàng cho vĩnh cửu mùa thu

Trung tá, Tiến sĩ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa (Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) được công chúng biết đến trong tư cách một nhà văn chuyên viết truyện ngắn.

Anh từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ với tác phẩm “Cơn mưa hoa mận trắng”. Không những thế, Phạm Duy Nghĩa còn là một nhà nghiên cứu phê bình văn học có cá tính và quan điểm riêng. Với văn xuôi, Phạm Duy Nghĩa cho rằng, một tác phẩm hay phải có “chuyện hay” hoặc “văn hay”. Với thơ, anh luôn dè dặt và cẩn trọng trước các hình thức thể nghiệm, để không bị mắc lừa bởi những “cách tân giả tạo”, “ngụy cách tân”.

Đó là một vài nét phác thảo về Phạm Duy Nghĩa nhằm thuyết minh cho những bất ngờ có thể xảy đến khi tác giả vừa ra mắt công chúng tập thơ Cho vĩnh cửu mùa thu (Nxb Văn học, 2021). Thực ra, với một nhà văn, việc thử sức và khẳng định tài năng của mình ở nhiều thể loại là điều bình thường. Không hiếm các nhà văn vừa viết tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tản văn, tùy bút, vừa làm thơ và tham gia nghiên cứu phê bình văn học. Phạm Duy Nghĩa cũng vậy. Mặc dù, trong lời nói đầu tập thơ, tác giả thưa trước rằng, đó chỉ là những bài thơ của tuổi trẻ (sáng tác từ năm 2000), là “những ký ức dịu dàng” cất giữ “tâm hồn mình trong trẻo một thời”, nhưng với 30 bài thơ, Cho vĩnh cửu mùa thu đã hé lộ chân dung một thi sĩ.

Những cảm giác bề bộn, khó hiểu, khúc mắc của thơ hiện nay có thể được giải tỏa phần nào khi ta đọc Cho vĩnh cửu mùa thu của Phạm Duy Nghĩa. Tập thơ mang đến sự quen thuộc và gần gũi. Từ cô bé quàng khăn đỏ đến bà chúa Tuyết, từ Danko đến Giamilia, từ cây phong non đến cây sồi già, từ rừng bạch dương đến rặng tử đinh hương, từ núi đồi thảo nguyên đến mênh mông tuyết trắng, từ mùa thu vàng đến cánh buồm đỏ thắm, từ chùm nho xanh đến bầy thiên nga, từ bụi vàng đến lâu đài cổ tích... ta nhận ra suối nguồn của hồn thơ Phạm Duy Nghĩa. Kia là Paustovsky, L.Tolstoy, Aitmatov; kia là A.Grin, Grim, H.C.Andersen; xa xa một sắc vàng mênh mang kia là Levitan, một niềm kiêu hãnh như ngọn lửa trong trái tim Danko của M.Gorky... Có thể nói, Cho vĩnh cửu mùa thu của Phạm Duy Nghĩa đã phục hoạt và sinh thành trong “từ trường văn hóa, văn học Xô-viết” và văn học kinh điển châu Âu một thời: "Thoáng trăm năm, còn vẹn nỗi buồn chiều/ rừng dương vắng lá mơ vàng hơn nắng/ gió ru vào thiếp lặng/ mùa thu vàng, mùa thu vàng... (Trước Levitan); hồn nhiên quá những khu rừng mơ ước/ bên đồi xanh ngát Grim" (Miền cổ tích)...

Thơ Phạm Duy Nghĩa đẹp và trong trẻo. Cảm thức trữ tình gợi lên từ mạch nguồn văn hóa giàu tính lý tưởng hình thành một thế giới nghệ thuật óng ả như “nắng ngưng chiều trong cây”. Tuổi trẻ của Phạm Duy Nghĩa có lẽ đã bắt nhịp một cách tha thiết với khát vọng sống và trở thành những tâm hồn cao cả. Đẹp và trong, nghĩa là không vẩn đục bởi những tầm thường, chật hẹp, toan tính; cũng không quá lâm lụy vào đớn đau hay đổ vỡ. Sống, yêu và say mê, theo đuổi và dâng hiến cho lẽ sống phải chăng là mẫu hình của con người thời đại từng là sự “mơ về” của nhiều thế hệ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên Việt Nam?: "Tôi muốn hôn những ngọn lửa xanh/ trong mắt người thơ âm thầm bóng tối/ gom bụi vàng rơi ngậm ngải tìm trầm/.../ Một ngày kia ngọn đuốc cháy kiệt dầu/ họ chết/ dưới lá vàng và tuyết/ ngạo nghễ cười/ nghe bão nổi ngàn năm" (Ngọn đuốc).

Thế giới trong và đẹp của thơ Phạm Duy Nghĩa hiển thị qua màu sắc. Màu sắc phản ánh đối tượng được chú ý (bên ngoài) đồng thời tiết lộ những rung cảm thẩm mỹ (bên trong) của nhà thơ. Cho vĩnh cửu mùa thu nổi bật lên là sắc xanh và ánh vàng. Điều đó cho thấy những quyến rũ đến ám ảnh của lý tưởng từng hiện diện trong tâm hồn thi sĩ. Ánh trăng xanh, biển xanh, hồ xanh, trời xanh, thung xanh, đồi xanh, dòng xanh, hoàng hôn xanh, vườn xanh, cỏ xanh, mầm xanh, cốm xanh, hồn xanh, tuổi xanh yêu, mắt tình nhân xanh, lầu hoa xanh, câu hát xanh, mù xanh hồng hoang... nhuộm một không gian xanh và trong và say. Sắc xanh ấy mang hồn tuổi trẻ: "Ở bên này/ hoàng hôn xanh lam/ anh thèm khát một nét buồn xứ Bắc; chìm sâu nhé mắt anh đằm thắm/ biển xanh ngời cơn khát của trần gian" (Kỷ niệm đồi trăng); "Tôi đi về phía xa xôi gió/ ngây ngất xanh trời tháng Năm" (Tiếng biển)...

Hòa sắc trong không gian lý tưởng Cho vĩnh cửu mùa thu là ánh vàng. Thu vàng, trăng vàng, hoa vàng, nắng vàng, lá vàng, thảm vàng, khăn vàng, bụi vàng, hạt vàng, nét vàng, tóc vàng... làm bật dậy trong thơ cảm hứng mộng mơ và lộng lẫy. Sắc vàng làm sáng không gian, rây lên nền xanh tươi lấp lánh thứ bột trời huyền ảo: "Mùa thu nhẹ gót hài/ đến trước thềm, ngấp nghé/ trong vườn em bước khẽ/ sợ giẫm vàng thu tan" (Bốn mùa); "Rừng dương vắng lá mơ vàng hơn nắng" (Trước Levitan); "Một sớm kia/ vằng vặc dưới trời/ hoa cải nở/ hoa cải vàng ngăn ngắt/ hạt nắng li ti hạt buồn chiu chắt/ hắt vàng lên hiu hắt bức tranh đông" (Nỗi buồn hoa cải); "Sài Gòn trưa/ Xao xác nắng hoa vàng" (Chuyến tàu ký ức); "Có phải đương mùa bên ấy/ trời xanh cũng thể bên này/ bạch dương xõa mềm ngực trắng/ thu vàng chín rực ngàn cây" (Tiếng biển)...

Sự chú ý, ưu tiên hay ấn tượng đặc biệt về màu sắc (xanh-vàng-trắng) thực sự đã tiết lộ “cấu trúc tinh thần” của thi sĩ. Một tâm hồn trong trẻo, tươi trẻ, say mê, mộng mơ với khát khao lý tưởng đã được tỏ bày bằng chính phổ màu sắc trong bức tranh thơ Cho vĩnh cửu mùa thu. Điều này, nếu nhìn rộng sang truyện ngắn-thể loại được xem là chủ đạo trong sáng tác của Phạm Duy Nghĩa, chúng ta càng có thêm nhiều minh chứng để thuyết phục mình hơn. Như thế, truyện hay thơ chỉ là những hình thức hiện ra khác nhau của một cõi lòng nghệ sĩ đã yêu và gắng nâng niu màu xanh non tươi đầy sức sống, màu vàng lấp lánh huyền ảo và màu trắng tinh khôi. Cuộc đời sẽ đổi thay, con người sẽ đổi thay và nghệ thuật cũng đổi thay, nhưng bằng những gì đã gửi gắm Cho vĩnh cửu mùa thu, chúng ta nhận ra gương mặt của tháng năm, của ký ức, của những say mê đã nuôi lớn con người.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/gom-bui-vang-cho-vinh-cuu-mua-thu-660169