'Làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh'!

Cách đây tròn 70 năm, vào sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Từ đây, 'muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể'...

Hà Nội - thủ đô linh thiêng và hào hoa. Ảnh: Khôi Nguyên

Hà Nội - thủ đô linh thiêng và hào hoa. Ảnh: Khôi Nguyên

Dấu mốc đặc biệt

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo các điều khoản của hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ. Ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, đồng thời nhằm phá sản âm mưu của Pháp, ngày 17/9/1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao yêu cầu thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, ngày 30/9/1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.

Sáng 9/10/1954, ta tiếp quản 4 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi. Quân đội theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Lần lượt, bộ đội ta tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. Đến 16 giờ cùng ngày, quân đội Pháp rời khỏi TP Hà Nội, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. Quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội, tiếp quản thành phố an toàn và trật tự.

Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô nhân ngày giải phóng. Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”. Đồng thời, Người căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Công cuộc tiếp quản thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, phủ Toàn quyền, phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang. Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông, liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí... tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.

Có thể khẳng định, ngày giải phóng thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Vươn lên theo hướng rồng bay...

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “Làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”, ngay sau khi tiếp quản thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của CNXH.

Trong 10 năm (1954-1964), cùng với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, Nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và không ngừng chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp Nhân dân thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 29/6/1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố đã tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Qua đó, góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng ấy, từ khi bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, kinh tế - xã hội thủ đô phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Hiện nay, tốc độ tăng GRDP thành phố đạt 6,27% (năm 2023). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm. Cũng trong 2 năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa; trong đó, năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên đạt 332.089 tỷ đồng (trong đó thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước); năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 410.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỷ đồng). Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn NTM, với 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 183 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Thủ đô Hà Nội được đánh giá là một trong số ít những thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn ngàn năm tuổi. Hà Nội còn được biết đến là “Thành phố di sản”, là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước. Theo đó, Hà Nội có hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2023, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch trong nước tăng 19,1%.

Cùng với đó, an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%... Công tác đối ngoại của thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Thêm một điểm sáng trong quá trình phát triển thủ đô suốt mấy mươi năm qua là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ. Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người những ngày đầu giải phóng, đến nay, Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người và không ngừng phát triển.

Với những thành tựu phát triển toàn diện, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Nhờ đó, Hà Nội được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Với vị thế và tiềm lực đã được tạo dựng, Hà Nội đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới. Đồng thời, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của Bắc bộ và cả nước; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ... Qua đó, thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế.

Kỳ vọng rằng, thủ đô linh thiêng và hào hoa, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, sẽ kế tiếp chặng đường vinh quang suốt 70 năm qua, mà viết nên những kỳ tích mới. Để Thăng Long - Hà Nội luôn hướng về phía rồng bay, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho thủ đô; hay là để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mãi mãi xứng đáng là “Thủ đô Anh hùng” của dân tộc Việt Nam anh hùng!.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lam-cho-ha-noi-thanh-mot-thu-do-nbsp-yen-on-tuoi-vui-va-phon-thinh-227094.htm