Góp phần lan tỏa tiếng đàn làng Then
Làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có những nét độc đáo mà không làng quê Việt nào có được. Đến đây, du khách được thưởng thức tiếng vĩ cầm (violon) du dương của 'ban nhạc nông dân'. Tại cuộc tọa đàm do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang tổ chức mới đây, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, cán bộ quản lý văn hóa đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp góp phần duy trì và lan tỏa giá trị văn hóa của làng Then.
Nông dân chơi vĩ cầm
Ông Giáp Văn Lơ, 90 tuổi, là thế hệ đầu tiên của làng Then học đàn violon và gắn bó với nhạc cụ này từ khi còn trẻ cho đến nay. Ông từng được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Nay tóc đã bạc, tay run, mắt mờ nhưng trong ông, niềm đam mê với cây vĩ cầm vẫn luôn cháy bỏng.
Ông kể: “Người dân nơi đây vốn đam mê âm nhạc, nhiều năm trước, chúng tôi đã thành lập đội văn nghệ, chơi những nhạc cụ thông thường như: Đàn tam, đàn tứ, sáo, nhị, trống mõ, guitar. Đến khi được nghe nhạc công ngoài trung ương về xã biểu diễn đàn violon, tôi và một số người yêu thích góp tiền mời thầy ở Hà Nội về làng truyền dạy, mua nhạc cụ về chơi”.
Những nông dân bao đời gắn bó với đồng ruộng nhưng khi cầm đàn violon trong tay - nhạc cụ thuộc về âm nhạc hàn lâm, thường sử dụng trong các dàn nhạc giao hưởng, họ lại trở thành nghệ sĩ đích thực. Hằng ngày, sau khi làm xong việc đồng áng, bà con lại sôi nổi nói về tiếng đàn, nhạc cụ, nhạc lý, cùng nhau chơi những bản nhạc. Đối với người làng Then, tiếng đàn violon thân quen, gần gũi như mảnh ruộng, vườn rau. Tiếng đàn ngân lên làm vơi bớt nỗi mệt nhọc, giúp cho cuộc sống vui vẻ, lạc quan hơn. Cứ thế, người biết dạy cho người chưa biết, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau, tiếng đàn lan tỏa khắp làng quê.
Tiếng vĩ cầm làng Then không chỉ dìu dặt trong những ngôi nhà nơi thôn quê mà còn ngân vang trên các sân khấu lớn trong nước và quốc tế. Người nơi đây tự hào khi cây đàn xuất xứ tận trời Tây, về làng Then trở thành thứ nhạc truyền thống.
Dàn nhạc violon của làng thời ấy nổi danh khắp vùng, tên “làng vĩ cầm” cũng được hình thành từ đó. Ban đầu chỉ là tốp đàn, đội đàn, đến năm 2019, Câu lạc bộ (CLB) Đàn violon làng Then ra đời với 13 thành viên, là lớp thế hệ thứ hai học đàn. Ông Nguyễn Quang Khoa, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Buổi tối, chúng tôi thường ra đình làng, nhà văn hóa luyện tập, chơi những bản nhạc mới cho nhau nghe, coi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu”.
Tiếng đàn làng Then không chỉ dìu dặt trong những ngôi nhà nơi thôn quê mà còn ngân vang trên các sân khấu lớn trong nước, quốc tế. Nhiều đoàn khách quốc tế về thăm, giao lưu âm nhạc, làm phim về nét văn hóa độc đáo này. CLB vinh dự được tặng nhiều bằng khen của các bộ, ngành, địa phương. 5 nhạc công đầu tiên của làng đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Truyền lửa để tỏa sáng bản sắc riêng
Suốt hơn 60 năm qua, người làng Then vẫn miệt mài gìn giữ, trao truyền tinh hoa âm nhạc cho thế hệ sau. Hiện nơi đây có 4 thế hệ biết chơi vĩ cầm, nhỏ nhất là lớp thiếu nhi khoảng 10 tuổi, lứa tuổi nào cũng có người chơi violon thành thạo.
Tại cuộc tọa đàm về nét độc đáo của làng Then, ngôi làng vĩ cầm duy nhất ở Việt Nam do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang tổ chức mới đây, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà quản lý của tỉnh và địa phương đã định hướng, đề xuất giải pháp để duy trì, lan tỏa bản sắc văn hóa của vùng quê này.
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động của CLB Đàn violon làng Then tạo bản sắc văn hóa riêng so với các vùng nông thôn trong cả nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những nhạc công không chuyên của CLB với tình yêu âm nhạc, niềm đam mê môn vĩ cầm đã làm phong phú thêm phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư. Ngành chức năng sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ để CLB có thêm điều kiện hoạt động và phát triển.
Để nét văn hóa riêng có của làng Then ngày càng tỏa sáng, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang đề nghị thành viên CLB tích cực truyền dạy chuyên môn cũng như khơi dậy nhiệt huyết, niềm đam mê âm nhạc cho thế hệ trẻ.
Bà Đào Thị Mơ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lạng Giang mong muốn các cấp, ngành giới thiệu, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như mời người có chuyên môn về hướng dẫn để CLB có thêm điều kiện duy trì và phát triển. Theo nhạc sĩ Phan Đình Oánh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, các cấp chính quyền, ngành chức năng tạo cơ hội cho các “nghệ sĩ” không chuyên của CLB được biểu diễn trên sân khấu lớn trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu ban nhạc vĩ cầm nông dân tới đông đảo công chúng.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ CLB Đàn Violon làng Then về trang thiết bị, tạo điều kiện cho các thành viên dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng. Có hình thức động viên, khuyến khích các nhạc công cũng như người dân tham gia CLB.
Không chỉ có tiếng đàn vĩ cầm, làng Then có khung cảnh bình dị, tươi đẹp, lưu giữ nhiều mái nhà cổ xưa. Vì vậy, một số ý kiến gợi mở khai thác lợi thế, bản sắc của làng quê này để phát triển du lịch, cùng với tổ chức hoạt động thường xuyên của CLB Đàn violon, địa phương cần quan tâm chỉnh trang, nâng cấp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng vườn hoa, cải tạo khuôn viên. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa để quảng bá, tạo điều kiện cho học viên, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật kiến tập, giao lưu, đồng thời thu hút du khách nước ngoài về trải nghiệm nét văn hóa Việt.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh