Hà Nội quê mùa và phồn hoa dưới góc nhìn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Trong cuốn 'Làng làng phố phố Hà Nội' của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội hiện lên như một thành phố vừa quê mùa, cổ kính với các lễ hội, làng nghề truyền thống, vừa hiện đại, phồn hoa khi từng là kinh đô của các triều đại phong kiến.

Trong số các tỉnh thành ở Việt Nam, ít có nơi nào mà những biến đổi về hành chính, dân cư, văn hóa lại diễn ra một cách phức tạp, xếp chồng nhiều lớp lên nhau như ở Hà Nội, từ hàng nghìn năm trước cho đến tận ngày hôm nay. Thế nhưng, bất chấp lịch sử bề bộn đó, cũng ít nơi nào mà người ta lại quan tâm đến "căn tính" của một thành phố đến vậy: gốc Hà Nội là gì, người Hà Nội là như thế nào?

Đối với Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội không còn xa lạ, nếu không muốn nói đã "nhẵn mặt" trong các trang viết của ông. Nhưng mỗi lần đi, thấy và viết về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến luôn gợi mở những góc nhìn rất mới, rất lạ và thú vị.

Trong cuốn sách vừa ra mắt - Làng làng phố phố Hà Nội, đó là hình ảnh một thành phố vừa quê mùa, cổ kính với các lễ hội, các làng nghề truyền thống, vừa hiện đại, phồn hoa khi từng là kinh đô của các triều đại phong kiến, là thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, và là Thủ đô của nước Việt Nam hôm nay.

 "Làng làng phố phố Hà Nội" là cuốn sách mới ra mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Linh Đan

"Làng làng phố phố Hà Nội" là cuốn sách mới ra mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Linh Đan

Làng và phố vừa tương phản với nhau, vừa song song tồn tại làm nên diện mạo rất đặc biệt của Hà Nội,mà nếu thiếu đi một hoặc nếu cố tình loại bỏ một, thì đó không còn là Hà Nội.

Bước chân dọc ngang vòng quanh Hà Nội với chất chứa cảm xúc trong tim và lắng nghe hơi thở của thời cuộc, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến luôn chọn lối đi riêng với nhiều khám phá.

Cuốn sách được chia làm 3 phần: Làng làng; Phố phốHà Nội Hà Nội.

Phần đầu, tác giả dẫn độc giả đi một tour đến thăm các ngôi làng bên bờ sông Đuống cho đến làng mang thương hiệu quốc tế, từ làng Xuân Dục và bài thơ Núi Đôi nổi tiếng đến làng Dao và tục phụ nữ sơn đầu…

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, điều kỳ lạ là trong lịch sử hành chính Việt Nam, làng chưa bao giờ được đặt là cấp hành chính, song sách Đại Nam thực lục, chính sử của triều Nguyễn, viết: "Nước là hợp của các làng mà thành. Từ làng mới đến nước. Dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước".

Ý nghĩa hay cách đặt tên mỗi làng cũng được ông đề cập đến: “Dù tên làng có gốc Hán hay thuần Việt cũng đều có giá trị riêng, vì trong tên đó chứa đựng lịch sử, văn hóa của địa phương. Người ta đi chiến đấu trước hết vì làng và luôn luôn nhớ về làng. Người ta làm những điều tốt đẹp cũng vì làng. Khi làng có người thành đạt, người làng tự hào”.

Sang phần hai, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến phân chia các phố của Hà Nội thành: phố cổ, phố mới, phố bãi, phố biệt thự, phố âm phủ, phố mùa… Người viết cũng mang đến những thông tin cập nhật về “phố ngắn nhất Hà Nội” hay “phố mà không phải là phố”, phố được nhiều người check in...

“Điểm thu hút đông đúc học sinh, sinh viên là mặt tiền trụ sở báo Hà Nội mới phố Lê Thái Tổ. Đây là tòa nhà có kiến trúc Pháp rất đẹp, sang trọng. Song điểm này ‘độc’ bởi có khung kính bên trong dán tờ báo, một sản phẩm không thể thiếu của các tòa soạn báo, trụ sở các phường thời bao cấp, nhưng ngày nay duy nhất chỉ còn ở đây. Từ sáng đến chiều tối các ngày trong tuần, gần như lúc nào cũng có một nhóm xúng xính xiêm y, tạo tư thế check in” - trích Phố check in, phố TikTok.

Phần cuối cùng là những góc nhìn đa diện về Thủ đô, những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm: Hà Nội gốc địa lý và Hà Nội gốc văn hóa, Hà Nội có phải là mảnh đất đáng sống không, Hà Nội và lịch sử tách nhập xã phường... và cả cái cách mà Hà Nội vượt qua cú sốc kinh hoàng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: NVCC

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với VietNamNet, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: "Tên sách ban đầu có 8 chữ Làng làng phố phố Hà Nội Hà Nội, tuy nhiên đơn vị làm sách trao đổi muốn bớt một chữ Hà Nội, tôi đành nghe theo. Điều này cũng là tính cách của người Hà Nội - ngại va chạm, mong được yên thân. Tôi rất tiếc vì thêm 2 chữ khi đọc sẽ có nhịp điệu. Nếu nhìn mục lục, ai cũng thấy rõ tác phẩm gồm 63 bài viết. Nhưng khi đọc hết, tôi tin rằng độc giả sẽ cảm nhận Làng làng phố phố Hà Nội là tư duy viết sách vì thông tin lặp lại khá ít, nếu có chỉ nêu tên sách trích dẫn hay nhắc lại những sự kiện lịch sử là dấu mốc quan trọng".

Điểm đặc biệt ở Làng làng phố phố Hà Nội là tác giả “soi chiếu” Hà Nội ở các góc khác nhau, khách quan, không thiên lệch, cố gắng làm sáng tỏ những câu chuyện tưởng chừng như đã quá quen thuộc nhưng vẫn còn đó những điểm mờ đòi hỏi phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau để lý giải.

“Trong cuốn sách mới này, tôi đã dành nhiều trang viết về làng, về phố mà trước đã từng thuộc các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, sau sáp nhập vào Hà Nội. Tôi cho rằng đây là một mảng đề tài quan trọng chưa được chú ý", ông cho biết.

Một số người cho rằng mở rộng địa lý khiến Hà Nội mất đi vẻ đẹp gốc, pha tạp và quy hoạch lộn xộn, nét văn hóa Tràng An cũng "biến tướng". Nhưng ở luồng ý kiến ngược lại thì tán thành vì tạo nên diện mạo Thủ đô đa sắc màu. Trong cuốn sách, anh có gửi gắm thông điệp gì về điều này không?, hỏi nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, ông nói: "Trong Làng làng phố phố Hà Nội tôi khẳng định rằng việc sáp nhập Hà Tây làm cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội thêm phong phú, đa dạng".

Tác giả giải thích thêm: "Ngược dòng lịch sử, năm 1831 vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính chia Việt Nam thành 30 tỉnh và 1 phủ thì huyện Thường Tín, Hoài Đức, Ứng Hòa (sau này thuộc tỉnh Hà Tây) cùng với khu vực Kinh thành Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Và tỉnh Hà Nội tồn tại cho đến ngày 19/7/1888 khi thực dân Pháp thành lập thành phố Hà Nội gồm huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận (tương ứng với quận Hoàn Kiếm, Ba Đình ngày nay). Như vậy một phần của Hà Tây xưa đã nằm trong tỉnh Hà Nội.

Năm 1965, tỉnh Hà Đông sáp nhập với tỉnh Sơn Tây thành Hà Tây. Tỉnh Hà Đông là đất trăm nghề còn Sơn Tây thuộc xứ Đoài, một vùng đất gốc của người Việt cổ và văn minh Việt cổ, nơi hình thành nhà nước Văn Lang. Có thể nói xứ Đoài, nơi người Việt, Mường cổ cùng chung sống đã sinh ra nền văn hóa vô cùng độc đáo mà các nhà nghiên cứu gọi là văn hóa xứ Đoài, trong đó có truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh lan tỏa khắp vùng đồng bằng rộng lớn".

Ảnh: Linh Đan

Ảnh: Linh Đan

Không chỉ là Hà Nội của quá khứ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng đề cập đến Hà Nội hôm nay với những bộn bề, trăn trở. Đất và người trong các tác phẩm của ông đã tái hiện một Hà Nội giao thời giữa cổ kính và hiện đại với những gam màu đa sắc.

Nhà báo - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà báo - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại làng Vọng (nay thuộc phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội). Ông là tác giả của các tác phẩm: 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội cùng các tiểu thuyết Lính Hà, Mong manh, Me Tư Hồng...

Trong đó, Đi ngang Hà Nội và Đi dọc Hà Nội từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012.

Linh Đan

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-que-mua-va-phon-hoa-duoi-goc-nhin-cua-nha-van-nguyen-ngoc-tien-2330564.html