Hân hoan trong ngày hội lớn của Thủ đô

Trong không khí trang nghiêm và hào hùng, sáng 6-10, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), hàng vạn người đã hòa mình vào không khí phấn khởi, hân hoan và tự hào của chương trình 'Ngày hội Văn hóa vì hòa bình'. Đây không chỉ là sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024) mà còn đánh dấu 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu 'Thành phố Vì hòa bình' của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Ngay từ sáng sớm, dòng người đã nô nức đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đúng 7 giờ sáng, ngày hội mở đầu với nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, nhằm tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, dường như cả không gian lắng đọng, mỗi người dân đều cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ với lịch sử hào hùng của dân tộc.

 Ngày hội mở đầu với nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Ngày hội mở đầu với nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Xúc động, vinh dự, tự hào được hòa chung vào niềm vui của Thủ đô ngàn năm văn hiến

Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là màn tái hiện sống động về hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10-10-1954. Gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa đã cùng nhau dựng lên một bức tranh lịch sử hoành tráng và đầy cảm xúc. Từng bước chân, từng điệu múa, từng giai điệu âm nhạc đều mang đến cho người xem cảm giác như đang được sống lại những ngày tháng hào hùng ấy.

 Cô Trần Thị Liên Hưng (ngoài cùng, bên phải) xúc động được tham gia vào ngày hội lớn của Thủ đô.

Cô Trần Thị Liên Hưng (ngoài cùng, bên phải) xúc động được tham gia vào ngày hội lớn của Thủ đô.

“Xúc động vô cùng, tự hào vô cùng” là cảm xúc của cô Trần Thị Liên Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng những người bạn trong chuyến thăm Hà Nội nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cô cho biết, các cô là những người lính “vượt Trường Sơn hùng vĩ kiên cường” “bước vào đời, bước vào khói lửa, trọn tuổi xuân hiến cả cho miền Nam, xây ước mơ trong lửa đạn gian nan”, cho nên hôm nay về đây, các cô xúc động lắm khi được sống lại cảm xúc những ngày khói lửa hào hùng đó. "Hôm nay, giữa không khí của mùa thu, tôi thực sự xúc động và tự hào khi được chứng kiến các mốc son lịch sử suốt chiều dài của Thủ đô lần lượt được tái hiện qua “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Đây là một chương trình nghệ thuật hùng tráng, sinh động, giàu cảm xúc”.

Vinh dự khi được làm nhiệm vụ tại sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước, chị Định Thị Hoàng Yến (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi được tham gia vào sự kiện này. Chúng tôi đã tập luyện hơn một tháng để chuẩn bị cho màn trình diễn này. Riêng những ngày gần đây, cả đội đã lên hồ Hoàn Kiếm tập luyện từ sáng đến đêm”.

 Chị Định Thị Hoàng Yến (Mê Linh, Hà Nội).

Chị Định Thị Hoàng Yến (Mê Linh, Hà Nội).

Góp phần không nhỏ vào sự thành công của ngày hội, những chiến sĩ áo xanh của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam ở Hà Nội vẫn đang cần mẫn tiếp nước cho lực lượng tham gia tập luyện, người dân và du khách. Anh Phùng Quang Anh – nhân viên Công ty cho biết, anh cùng mọi người trong công ty đã có mặt ở các vị trí phân công từ 4 giờ sáng để phục vụ lực lượng tham gia tập luyện và người dân. “Được tham gia và phục vụ ở ngày hội lớn của Thủ đô là niềm vui và vinh dự của tôi, chúc cho Thủ đô Hà Nội thân yêu mãi luôn tràn đầy sức sống, chúc cho mỗi người dân Việt Nam ngày càng yêu thương, đoàn kết, xứng đáng là Thủ đô vì hòa bình, và lan tỏa khát vọng hòa bình đi khắp muôn nơi”.

Giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc

Đứng trong đội hình đoàn đại biểu công chức viên chức, người lao động thủ đô, Trần Anh Tú và Nguyễn Thành Trung - sinh viên Khoa quản lý văn hóa nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa Hà Nội không giấu nổi niềm hân hoan, vui mừng sau khi vừa hoàn thành nhiệm vụ. Các em cho biết bản thân cảm thấy rất vui và tự hào khi được tham gia góp sức vào Ngày hội văn hóa vì hòa bình. Qua hoạt động này, em càng cảm thấy tự hào hơn vì được là người dân Việt Nam, và em mong các bạn trẻ luôn giữ vững niềm tin tưởng, tự hào dân tộc, luôn nỗ lực phấn đấu học tập để hoàn thiện mình mỗi ngày, góp sức trẻ xây dựng đất nước. Thế hệ trẻ cần phải luôn luôn tìm hiểu về lịch sử, thêm yêu Thủ đô, thêm yêu đất nước. Thông qua chương trình, thế hệ trẻ chúng em thêm hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình.

 Các bạn sinh viên Khoa quản lý văn hóa nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Các bạn sinh viên Khoa quản lý văn hóa nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Em Phùng Linh Chi lớp học sinh lớp 8K Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết: "Em rất vui mừng, hồi hộp khi được tham gia biểu diễn tiết mục "Hà Nội thành phố vì hòa bình". Qua thông tin trên các phương tiện truyền thông em được biết, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô. Là đại diện cho thế hệ trẻ, chúng em luôn cố gắng nỗ lực học tập và hoàn thiện mình, nhất là tìm hiểu về lịch sử dân tộc".

Em Phùng Linh Chi (phải) và Nguyễn Minh Hà (trái) - học sinh lớp 8K Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội).

Em Phùng Linh Chi (phải) và Nguyễn Minh Hà (trái) - học sinh lớp 8K Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội).

Chị Vũ Thanh Tú, phụ huynh em Nguyễn Minh Hà (THCS Nguyễn Du) cho biết: “Tôi thực sự xúc động và tự hào khi được chứng kiến các mốc son lịch sử suốt chiều dài của Thủ đô lần lượt được tái hiện qua “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Đây không chỉ là bữa tiệc văn hóa mang lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc".

Hai con trai của chị Nguyễn Thị Mai Liên.

Hai con trai của chị Nguyễn Thị Mai Liên.

Chị Nguyễn Thị Mai Liên (35 tuổi ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) tự hào cho biết: "Cụ nội và cụ ngoại của hai con trai tôi là Cao Xuân Bi và Trần Văn Bạo, đều là chiến sĩ trong đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô cách đây 70 năm. Chính vì vậy, tôi rất vinh dự và tự hào khi được chứng kiến những thời khắc lịch sử vẻ vang ấy được tái hiện rõ nét trong chương trình này. Hôm nay, tôi đã đưa hai con đi cùng để các cháu thêm tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên trong một gia đình có truyền thống cách mạng".

"Ngày hội văn hóa vì hòa bình" đã khép lại, nhưng đọng lại trong lòng mỗi người dân là những hình ảnh tuyệt đẹp tôn vinh văn hóa, di sản Hà Nội cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân Thủ đô, mà chúng ta trân trọng giữ gìn, phát huy, lan tỏa và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau.

THANH HƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/han-hoan-trong-ngay-hoi-lon-cua-thu-do-797593