Hàng rào đá Hà Giang

Cùng với nhà trình tường, mái ngói âm dương, cây đào, lê, mận hoa mùa Xuân, hàng rào đá thâm trầm thời gian với công sức bao thế hệ người Mông trở thành một di sản đặc sắc, hấp dẫn không chỉ người xuôi, mà còn nhiều người nước ngoài, phương tây lên chiêm nghiệm.

Cũng là đá vôi, Karst như nhiều miền quê phía Bắc, Hà giang cũng có hệ thống hang động rất lớn, nhiều hang ngập nước, theo dòng sông Nho quế. Nhưng sát biên giới nên rất khó khăn đoàn thám hiểm BCRA mới được cấp phép vào khảo sát gần đây, nhưng so với những nơi khác, đá liền khối, họ phải phá nhỏ cắt hay nghiền, và cũng thường khai thác khi cần xây dựng như cho lò vôi, làm móng nhà, làm đường, ít nơi làm hàng rào. Có thể vì kinh tế, thuận tiện thu gom cũng như ở các nơi khác có vật liệu khác hay hơn chăng? Trên cao nguyên này, đá lộ thiên miếng nhỏ trên bề mặt, người dân sinh sông với đá, chết trong đá...

Hà giang, từ Yên minh, Đồng văn, Mã pí lèng hay sang Mèo vạc, ta thấy nhà Trình tường, cây rơm/ngô, cây đào, mận, lê, những nương đât lẫn đá và hàng rào đá xếp. Rất dễ đề nhận thấy, nguồn nguyên liệu có sẵn xung quanh nhà của người dân tộc Mông. Đá khắp nơi, không chỉ là núi đá, vách đá, mà mầm đá, đá vụn khắp mặt đất, sâu dưới đất, như là trộn đậu với xôi vậy, phần đậu phần xôi như phần đá với phần đất suốt dải núi rừng trên cao nguyên đá Đồng văn này.

Trích trong bài báo của nhà báo Quang Đạo mô tả: “Phần nhiều hàng rào đá ở cao nguyên đá Đồng Văn đều được gia chủ xếp rộng trên 1 mét, cao gần 2 mét theo quy tắc “phần chân hàng rào xếp to và nhỏ dần về phía trên”. Hoàn toàn không cần tới xi măng, cát…, việc sắp xếp các viên đá dựa toàn bộ vào những góc cạnh tự nhiên sẵn có của từng viên để chúng có thể tự bám vào nhau. Vì thế, thông thường để tạo thành một dãy hàng rào đá bao quanh ngôi nhà, nếu không tính đến thời gian lựa chọn, gùi đá từ những dải núi ở xa về thì thời gian tối thiểu phải có là vài ba tháng. Thậm chí, có những hàng rào đá còn “lấy” của gia chủ thời gian lên tới hàng năm. Dưới bàn tay khéo léo của đồng bào người Mông, những viên đá như tự ăn khớp, tự đan vào nhau để tạo thành lũy chắn. Đã có du khách tò mò thử dùng sức đẩy mạnh vào hàng rào đá và rồi lại càng thêm ngạc nhiên, thán phục trước sự vững chắc của nó. Đá được sắp xếp khéo léo nên đã giằng giữ lấy nhau một cách chắc chắn, trường tồn.

Theo già làng Vàng A De ở bản Khẩy Roài, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, việc lựa chọn, sắp xếp hàng rào đá còn trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá sự trưởng thành của người con trai Mông. Trong cộng đồng người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn, trẻ em nam khoảng 3 - 4 tuổi đã biết tha thẩn đi lấy đá về xếp ở góc vườn. Lớn hơn một chút, khoảng 9 - 10 tuổi đã được cha, chú dạy cho cách chọn đá và xếp đá. Vậy nên, hầu hết đàn ông người Mông đều có thể làm hàng rào đá. Bởi như lời của già làng Vàng A De thì “Con trai Mông trưởng thành thì phải biết 3 việc quan trọng đó là cày nương, thổi khèn và xếp hàng rào đá”.”

Giống như ruộng bậc thang, nương vườn, hàng rào, nhà được tạo dựng từ đá, xen kẽ với đá, gom từng hốc đất để trồng tỉa giúp đồng bào Mông bám trụ và định cư. Từ việc có thể định cư mà họ truyền đời tiếp tục tôn tạo, khai phá, tạo dựng nên nền văn hóa bản sắc của chính mình. Cũng vì vậy, có nhưng hàng rào đá hàng trăm năm tuổi. Khi lên đây làm tôi nhớ đến khu vực Yorkshire, trong công viên quốc gia của Anh quốc, các hàng rào đá Grid Casle y chang của Đồng văn, tuổi hàng rào trẻ cũng phải 600 năm trước cả thời Ai Van Hô, hiệp sĩ Đen. (Tất nhiên không tính cái mới làm

:)), cũng từ từng viên đá đủ đa dạng hình thù, đủ nhỏ tự nhiên xung quanh.

Thêm một lý do làm rào đá cũng có thể nữa là, đá nhiều quá, thừa thãi quá, để dọn lấy đất trồng, chỉ một khoảnh nhỏ thôi cũng gom lại cả một đống khổng lồ. Với đống đá như vậy, vừa vướng, khó chịu và vô dụng. Thay vì gom thành đống, người Mông xếp ken lại thành hàng rào, vừa gọn, sạch, đẹp và hữu dụng vậy! Và từ khi làm được cái hàng rào do khai hoang lấy đất, kinh nghiệm nhiều đời đã cho phép họ kỹ thuật hóa xếp đá và hàng rào đá thành tập tục và nguyên liệu thay cho gỗ, gạch so với nhiều địa phương khác.

Cùng với nhà trình tường, mái ngói âm dương, cây đào, lê, mận hoa mùa Xuân, hàng rào đá thâm trầm thời gian với công sức bao thế hệ người Mông trở thành một di sản đặc sắc, hấp dẫn không chỉ người xuôi, mà còn nhiều người nước ngoài, phương tây lên chiêm nghiệm. Tuy nhiên, với lượng khách du lịch rất lớn, hạ tầng đường sá lên Hà giang đang tốt lên, dẫn đến nhu cầu dịch vụ quá tải, người nhập cư làm dịch vụ đáp ứng, hiện đại hóa bản địa. Các hàng rào đá, khu nhà dân bị đô thị mới lấn át. Hàng rào gạch xi măng, tôn sắt thép cũng như dân tứ xứ đã và đang làm thay đổi cả cuộc sống và cảnh quan.

Dù cả cao nguyên đá này đã được công nhận bởi UNESCO là công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, Địa phương cũng cấm và khuyến nghị dân không chặc cây hoa đào, mận, lê... tuy nhiên, xã hội hiện đại 4.0 vẫn phát triển mạnh mẽ. Không khó bắt gặp một cô gái Mông với áo váy màu sắc đẹp đẽ ở chợ đêm Mèo vạc đang cầm điện thoại smart phone selfie hay đang cập nhật ảnh lên Facebook. Để chiêm nghiệm, trải nghiệm, hãy xách ba lô và lên đường, nhanh lên kẻo không khác xuôi đâu!

(Người Mèo, theo âm Hán - Miêu, Miêu tộc, Mẹo... Tuy nhiên, sau này người ta lấy tên theo âm Lào là H' Mong, và ta gọi là dân tộc Mông vậy).

Đặng Vân Phúc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hang-rao-da-ha-giang-a2522.html