Hành trình kéo điện đánh thức 'hòn ngọc xanh'giữa biển trời Đông Bắc
Nhìn Cô Tô ngày nay, ít ai biết được, chỉ hơn chục năm trước, nơi đây đêm đến tối om, đường sá đi lại khó khăn lắm…
Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) từng đi vào thơ ca, nhạc họa nhờ vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc như một viên ngọc bích giữa vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Giờ đây, vẻ đẹp ấy lại bừng lên sức sống tươi mới, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ít ai biết, chỉ gần chục năm trước, nơi đây còn chưa có điện lưới.
Một thủa hoang sơ, cách trở
Đứng trong ánh chiều buông, nhìn về con đường nhộn nhịp xe cộ hướng về khu khách sạn, nghỉ dưỡng ven biển đảo Cô Tô, ông Đỗ Đức Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô vui vẻ nói với PV: “Nhìn Cô Tô ngày nay, ít ai biết được, chỉ hơn chục năm trước, nơi đây đêm đến tối om, đường sá đi lại khó khăn lắm…”.
Nơi duy nhất được dựng tượng Bác Hồ lúc sinh thời
Huyện đảo Cô Tô là một quần đảo gồm khoảng 50 đảo nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 46,2km. Huyện Cô Tô có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh vùng lãnh hải quốc gia. Bởi, Cô Tô cùng với huyện đảo Bạch Long Vĩ của TP Hải Phòng là cơ sở để vạch đường biên giới biển, phân định Vịnh Bắc bộ với nước ngoài. Trước năm 1994, Cô Tô là địa phương thuộc huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn).
Quân và dân trên đảo Cô Tô có một vinh dự là được đón Bác Hồ tới thăm ngày 9/5/1961. Cô Tô cũng là địa phương duy nhất trên cả nước được Bác đồng ý cho dựng tượng mình lúc sinh thời.
Ông Thông kể, do nằm quá xa đất liền, nên hơn chục năm trước, Cô Tô hoang vu, hẻo lánh. Không có điện lưới, hệ thống giao thông từ đất liền ra đảo Cô Tô chỉ là chiếc tàu mỗi ngày 2 chuyến lênh đênh nhiều giờ mới tới nơi.
Vì đường sá khó khăn cách trở, điện lưới không có, nên dù trên đảo có bãi tắm đẹp, rừng nguyên sinh, nhưng Cô Tô vẫn vắng bóng du khách, cuộc sống của người dân chỉ trông chờ vào nghề chài lưới, nuôi trồng...
Cùng các cựu học sinh trường Trung cấp Y tế Quảng Ninh niên khóa 1968 - 1971 trở lại Cô Tô vào những ngày đầu tháng 5 này, bà Trần Thị Bớt, người đã có ba năm làm y sĩ của Bệnh xá Cô Tô (nay là Trung tâm Y tế huyện Cô Tô) bồi hồi nhớ lại biết bao kỷ niệm.
Bà Bớt nhớ khi được phân công ra đảo Cô Tô công tác, bà và các đồng nghiệp phải đi gần ba ngày mới đến nơi. Trên đảo cái gì cũng thiếu thốn, đường sá đi lại toàn là đường đất, lầy lội. Điện không có, cả đảo chỉ có 4 y, bác sĩ, điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân rất đơn sơ.
“Giờ đây, chỉ 1 giờ đồng hồ là đến được đảo Cô Tô. Cô Tô giờ sôi động, sầm uất, điện lưới kéo về kéo theo sự phát triển mọi mặt”, bà Bớt cho hay.
Ông Đỗ Đức Thông kể, trước khi có ý tưởng của lãnh đạo tỉnh đưa lưới điện quốc gia ra đảo, nhiều bộ, ngành của Trung ương đã phối hợp khảo sát, nghiên cứu không ít mô hình để địa phương có điện, như nghiên cứu mô hình phát triển điện gió, xây dựng nhà máy nhiệt điện…
Nhưng tất thảy đều không hiệu quả. Bởi, điện gió thì nơi này gió cũng không đủ; xây nhà máy nhiệt điện thì vấn đề xử lý tro, xỉ ra sao là vấn đề rất khó. Phương án tối ưu nhất là kéo điện lưới từ đất liền ra đảo…
Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”
Mùa đông năm 2012, giữa những con sóng bạc đầu cao gần 2m vào những ngày biển động lạnh cắt da, cắt thịt với nhiệt độ trung bình từ 11 - 13 độ C, đoàn khảo sát địa hình đáy biển do 3 trung tâm thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vẫn lênh đênh hàng tháng trời trên biển.
Công việc của họ lúc này là phải hoàn thành việc đo vẽ, tính toán chính xác từng tọa độ để có thể kịp hoàn thành việc rà soát chi tiết địa hình khu vực sẽ rải cáp ngầm xuyên biển. Và hành trình chinh phục biển khơi đã bắt đầu ngay từ thời điểm ấy.
Theo thiết kế, dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô sẽ gồm hai tuyến. Tuyến chính cấp điện cho đảo Cô Tô, tuyến nhánh cấp điện cho Quan Lạn - Minh Châu (Vân Đồn). Trong đó, tuyến chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có khối lượng công việc lớn nhất.
Tổng chiều dài tuyến lên tới 58km đường dây, trong đó 4 tuyến cáp ngầm 22kV dài 22,6km dưới đáy biển và hơn 20km đường dây 22kV trên không. Toàn bộ tuyến chính đều đi qua những địa hình rất phức tạp, chủ yếu trên biển và trên các đảo đá, rừng cây.
Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, Cô Tô cũng có được điện lưới vào cuối tháng 9/2013 trước niềm vui vỡ òa của chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện đảo Cô Tô nói riêng.
Anh Trần Đức Quý, người dân thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô kể: “Gia đình tôi ra đảo từ trước khi thành lập huyện. Bao năm đèn dầu, tivi thì chỉ xem được đến 21h.
Hôm đóng điện lưới, cả huyện đảo vui như hội. Điện sáng khắp các tuyến phố, nhà nào, nhà nấy sáng choang từ trong ra ngoài. Cả đảo sáng rực thâu đêm, suốt sáng…”.
Điện lưới có, Cô Tô bắt đầu chú trọng phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phát huy hiệu quả mô hình du lịch sinh thái các bãi biển hoang sơ trên đảo như Hồng Vàn, Vàn Trảy, các khu rừng tự nhiên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, đồng thời thu hút các nhà đầu tư từ đất liền ra đảo…
Đến nay, trên địa bàn huyện Cô Tô có trên 200 cơ sở lưu trú với gần 3.000 phòng nghỉ, đảm bảo đáp ứng cho trên 10.000 khách/ngày.
Nếu như trước khi có điện, mỗi năm, Cô Tô chỉ có khoảng vài trăm du khách đến tham quan thì đến nay, địa phương này đã đón hàng vạn lượt khách đến trải nghiệm mỗi năm.
Chỉ tính dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, địa phương này đã có trên 1 vạn du khách đến nghỉ dưỡng.
Anh Tuấn, chủ một cơ sở ăn, uống, nghỉ dưỡng tại thị trấn Cô Tô cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản. Từ ngày có điện lưới đến nay, nắm bắt được nhu cầu du khách đến với đảo ngày càng nhiều, nên đã vay vốn đầu tư nhà hàng và khách sạn. Từ đó, cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định hơn, tạo việc làm và thu nhập cho gần chục lao động…”.
Gặp PV khi đang chụp ảnh cùng gia đình ở cầu cảng Cô Tô, anh Lý Văn Định, du khách đến từ tỉnh Nam Định chia sẻ: “Từ lâu, tôi được nghe nhiều về Cô Tô, nhưng đợt này đến đây được trải nghiệm những bãi biển đẹp, những cánh rừng nguyên sinh và được thưởng thức những món đặc sản của địa phương, gia đình tôi đều có chung nhận xét “Cô Tô đúng là thiên đường du lịch biển đảo!”.
Huyện đảo Cô Tô sở hữu một quần thể di tích, thắng cảnh nổi bật. Đầu tiên phải kể tới Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu 3 thị trấn với cụm tượng đài, bia, nhà lưu niệm thuộc hệ thống di tích lịch sử đã xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia, xây dựng năm 1968.
Tiếp theo là Trạm hải đăng Cô Tô - “mắt thần” hướng về biển. Muốn lên hải đăng, cần đi qua con đường rừng ngoằn ngoèo, dốc đứng, leo tiếp 72 bậc thang.
Những cảnh đẹp ấn tượng khác là bãi đá Cầu Mỵ với hệ thống đá trầm tích được bào mòn qua hàng vạn năm bởi nước biển tạo thành kỳ quan; bãi Hồng Vàn sóng êm ả, bãi cát mềm mại như dải lụa; bãi Vàn Chải sóng lớn; con đường Tình yêu dài hơn 2 km được lát gạch đỏ, men theo bờ biển, cách trung tâm thị trấn khoảng 100m.
Ngoài ra, du khách còn có thể thuê tàu gỗ ra thăm đảo Cô Tô con, cách Cô Tô khoảng hơn 1km. Đây là đảo không có hộ dân sinh sống, thiên nhiên được giữ gìn nguyên vẹn và hoang sơ nhất.