Hậu dịch Covid-19: Cần ít nhất 2 năm để nền kinh tế phục hồi
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh trăn trở về những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối diện trước 'cơn bão' Covid-19, đồng thời bày tỏ tin tưởng sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, tổ chức… sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh sau đại dịch này.
Chủ tịch Hanoisme Đỗ Quang Hiển phát biểu tại chương trình đối thoại với doanh nghiệp do Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì ngày 16/4/2020)
Xin chào ông. Cảm ơn ông đã nhận lời mời phỏng vấn của Báo Thế giới & Việt Nam. Hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của cuộc sống và nền kinh tế của Việt Nam?
Xin chào độc giả của Báo Thế giới & Việt Nam. Như chúng ta đã biết, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực rõ rệt đến mọi mặt của cuộc sống và trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam, cả phía cầu và phía cung. Cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô rất quan tâm và không khỏi lo lắng trước những tác động của dịch bệnh đối với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và đầu tư trong nước. Có thể kể đến ba ngành nghề hiện đang phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch là:
Ngành du lịch và dịch vụ: Lượng du khách giảm mạnh (Khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore giảm lần lượt 93,5%; 51,4% và 42,4%; trong khi khách nội địa giảm 27%). Các dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%... Ba thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm gần 40% lượng khách du lịch đến Hà Nội. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II, các quý sau phấn đấu kích cầu để bù đắp cũng rất khó khăn.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thành phố Hà Nội
Ngành sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 50% kim ngạch xuất khẩu, 30% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản. Tính theo cơ cấu sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp, trên 60% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ thuộc từ 35 – 45% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thậm chí Tổng Công ty may 10 phụ thuộc 65-70% nguyên liệu nhập từ Trung quốc nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, thiếu nguyên liệu trong tháng 4, dẫn tới nguy cơ phải cho nhiều công nhân nghỉ việc. Do đó, sản xuất công nghiệp trong quý II khả năng không có tăng trưởng. Tuy các doanh nghiệp đã và đang tìm các nguồn nguyên liệu khác thay thế, nhưng không thể thay thế được 100% trong thời gian ngắn; mặt khác, khi nguồn cung lớn của thế giới là Trung Quốc bị ảnh hưởng, giá thành nguyên liệu tăng lên khiến sức cạnh tranh bị giảm sút. Vì vậy, mức suy giảm của ngành này khoảng 30% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải: Các mặt hàng công nghiệp phục vụ sản xuất cho các ngành này có nguồn nhập khẩu 25% từ Trung Quốc và 5,7% từ Hàn Quốc. Ước tính mức suy giảm của ngành này khoảng 20% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Như vậy, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội phải tạm ngừng hoạt động hoặc phải đối diện với viễn cảnh phá sản không mong muốn?
Trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 (tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn do vốn ít, tài sản đảm bảo không có, hàng tồn kho và không tiêu thụ được, khách hàng không nhập vì thị trường đóng băng, dừng hết và chỉ sử dụng các nhu yếu phẩm thiết yếu dùng cho đời sống hàng ngày. Từ đầu tháng 3 tới nay, tới 80% số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ngừng sản xuất kinh doanh, chỉ còn tồn tại những doanh nghiệp phục vụ hàng hóa thực phẩm thiết yếu.
Tổng Công ty may 10 phụ thuộc 65-70% nguyên liệu nhập từ Trung quốc do vậy sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thiếu nguyên liệu trong tháng 4, dẫn tới nguy cơ phải cho nhiều công nhân nghỉ việc.
UBND Tp. Hà Nội và các Hiệp hội DN trên địa bàn đã có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi thu thập thông tin, gặp gỡ doanh nghiệp trao đổi và tổng hợp, trên cơ sở đó, đã gửi những văn bản đến các cấp có thẩm quyền để kiến nghị Chính phủ và UBND Tp. HN có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Qua những kiến nghị của các Hiệp hội trong đó có Hanoisme, đến nay, thành phố Hà Nội đã đã tích cực triển khai các giải pháp điều hành phát triển KT-XH, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung. Thành phố cũng đã hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19...
Hà Nội đã triển khai hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc... Thành phố cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546.000 tỷ đồng; thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hà Nội cũng đang hỗ trợ khoảng 3600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất để tiến hành hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp; tổ chức kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 Cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1.016,72ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Thành phố cũng đã ban hành và triển khai thực hiện 2 đề án hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố trong đó triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực (trên 20 tỷ/năm); kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo (20 triệu đồng/doanh nghiệp/năm); hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở ươm tạo, không gian khởi nghiệp không quá 200 triệu đồng/cơ sở...
Tập đoàn T&T, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, HanoiFC đã ủng hộ tổng cộng hơn 21 tỷ đồng trong đó T&T và SHB đã ủng hộ 10 tỷ đồng.
Riêng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguy cơ phá sản là rất cao, khoảng 50% doanh nghiệp sẽ không có điều kiện để phục hồi nếu ngừng sản xuất từ 3-6 tháng. Chủ tịch Hiệp hội Đỗ Quang Hiển đã kiến nghị thành phố xem xét:
Giải pháp giảm các loại thuế, không chỉ trong thời gian này mà có thể kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ có mặt bằng sản xuất.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho Doanh nghiệp.
Đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư các cụm Công nghiệp để có quỹ đất mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hạn chế, giảm tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến các doanh nghiệp trừ các trường hợp vi phạm.
Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đẩy mạnh nhu cầu mua sản phẩm.
Giảm tiền thuê mặt bằng (giá thuê đất hàng năm giảm 50% cho 6 tháng đầu năm 2020).
Cung cấp thông tin thị trường, dự báo kịp thời.
Tập đoàn Sunhouse ủng hộ 1.000 quạt, 200 nồi cơm điện công nghiệp trị giá 5 tỷ đồng.
Được biết trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Hanoisme cũng đã có những ủng hộ từ các doanh nghiệp địa phương. Ông có thể chia sẻ đôi điều?
Trong công cuộc ủng hộ Chính phủ chống Covid-19, Hiệp hội đã phối hợp với mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ cho các đơn vị quân đội, các bệnh viện và các trung tâm phòng chống dịch các cơ quan y tế và các đơn vị công an thực hiện công tác phòng chống dịch.
Có thể kể tới Tập đoàn T&T, Ngân hàng SHB, HanoiFC đã ủng hộ tổng cộng hơn 21 tỷ đồng, trong đó T&T và SHB ủng hộ 10 tỷ đồng thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ủng hộ 5 tỷ đồng cho cuộc chiến chống dịch của tỉnh Nghệ An; 3 tỷ đồng ủng hộ các y, bác sĩ và cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai. CLB bóng đá Hà Nội (HanoiFC) ủng hộ 1,5 tỷ đồng cho 2 bệnh viên tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19: 1 tỷ đồng cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; và 500 triệu đồng cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, ông dự đoán nền kinh tế nước ta phải mất bao lâu để phục hồi, phát triển?
Với thực tế khó khăn nêu trên, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phải đổi mới quyết liệt trong thực hiện thủ tục hành chính giảm bớt những khâu phiền hà cho Doanh nghiệp. Nền hành chính công vụ phải đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho doanh nghiệp nhằm phục hồi các dự án đã và đang dở dang. Về các chính sách thuế đất đai, phải có nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn giảm từ 6-9 tháng, cho vay vốn lưu động với mức lãi suất thấp hoặc là 0%, mới có điều kiện để phục hồi sản xuất. Thời gian phục hồi ít nhất là 24 tháng.