Hết lòng với nghệ thuật tuồng truyền thống

Trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Tiền - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng - đã tái hiện được nhiều hình ảnh nhân vật tuồng ấn tượng. Với chị, 'được diễn là một may mắn lớn của người nghệ sĩ'.

Trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Tiền - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng - đã tái hiện được nhiều hình ảnh nhân vật tuồng ấn tượng. Với chị, “được diễn là một may mắn lớn của người nghệ sĩ”.

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Thị Thanh Tiền sinh năm 1979, quê xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cả ông ngoại và mẹ đều theo nghiệp tuồng. Chị vào nghề khá sớm, từ năm 13 - 14 tuổi; đầu quân cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng; sau theo học khóa diễn viên tuồng, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Thanh Tiền luôn tâm niệm một điều, duyên đến với nghệ thuật tuồng cũng giống như sợi dây kết nối tâm hồn, trái tim chị với dòng máu truyền thống yêu tuồng được trao truyền từ ông bà, bố mẹ. “Xưa ông bà, cha mẹ mê tuồng và đi diễn bằng niềm đam mê nhưng không có thời gian, điều kiện gắn bó lâu dài. Đến thế hệ mình có điều kiện hơn vì được học hành bài bản, có thời gian để làm nghề chuyên nghiệp. Hạnh phúc của người nghệ sĩ là mỗi ngày được diễn, mỗi đêm sân khấu đều sáng đèn”, chị tâm sự.

NSƯT Thanh Tiền đã đoạt nhiều giải thưởng, huy chương tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp khu vực và toàn quốc. Trong đó, có giải nhì với các vai diễn: Đắc Kỷ trong vở Trầm Hương Các, Vương Hoài Nữ trong vở Lưu Kinh Đính giải giá Thọ Châu, Hoàng Tiểu Thư trong vở Hoàng Diệu; Giải vàng với các vai: Thoại Khanh trong vở Thoại Khanh Châu Tuấn, Thúy Thanh trong vở Phúc thần Thoại Ngọc Hầu. Gần 30 năm gắn bó với tuồng, tình yêu nghệ thuật trong chị không ngừng được hun đúc, đắp bồi. Nước mắt vẫn rơi, trái tim vẫn đập xốn xang khi hóa thân vào từng vai diễn. Thấm đẫm cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng giúp chị “chín” hơn và trao truyền được cho thế hệ trẻ kế cận những giá trị đích thực của nghệ thuật tuồng. Vai diễn Thanh Tiền ấn tượng nhất là Thị Mầu trong vở Quan âm Thị Kính. Chị còn nhớ, năm 2012, gia đình cố giáo sư Hoàng Châu Ký có ý nguyện dựng lại vở này cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Lúc đầu nhà hát không chọn chị vào vai Thị Mầu vì không hợp, nhưng rồi cái duyên đến với vai diễn như một món quà của người nghệ sĩ khi chị được đạo diễn cùng ê-kíp mời. Chị đã vào vai với một hình ảnh mới, không phải một Thị Mầu lẳng lơ mà là đáng thương vì khát khao tình yêu thương, hạnh phúc như bao người đàn bà khác. Chị cho biết, sở trường của mình là hình ảnh “đào bi”, trong khi Thị Mầu là nhân vật “đào lẳng”. Bên cạnh sự giúp đỡ của các nghệ sĩ gạo cội, chị đã phải cố gắng rất nhiều để có được một vai diễn đáng nhớ. Khi vào vai, chị đã khóc thương số phận nhân vật như cảm nhận được chính nỗi đau của mình. Vai Thị Mầu đã tiếp thêm hưng phấn để chị diễn tốt hơn nhiều vai khác sau này.

Với nghiệp diễn viên, Thanh Tiền không ngừng khổ luyện, học cách hóa trang diễn xuất, cách thổi hồn nhân vật lên gương mặt mình, cách sử dụng vũ đạo, tự diễn trên một sân khấu trống trải nhưng hồn cốt tập trung vào tất cả mọi hành động, dáng đi, điệu múa của diễn viên. Chị chia sẻ, để có được hình ảnh một Nguyệt Cô với nhiều cung bậc cảm xúc trên sân khấu trong thời gian 8 phút trong trích đoạn tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, chị đã phải khổ công luyện tập khá nhiều. Đây cũng là vai diễn chị để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Hiện nay, ngoài các chương trình biểu diễn tại nhà hát, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn tổ chức đưa các vở tuồng trọn vẹn về diễn tại nhiều vùng quê. Mặc dù sân khấu truyền thống còn gặp nhiều khó khăn, song khi lưu diễn, khán giả vẫn đến rất đông, làm tăng thêm giá trị của nghệ thuật truyền thống. Với Thanh Tiền, tự hào là lớp diễn viên sinh ra, trưởng thành từ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - chiếc nôi của đất Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng, chị cũng như nhiều nghệ sĩ vẫn không ngừng say mê trong từng vai diễn; với khát vọng cống hiến hết mình, giữ cho giá trị nghệ thuật tuồng truyền thống không mai một.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/het-long-voi-nghe-thuat-tuong-truyen-thong-613709/