Hiểu thêm về một nhà cách mạng lão thành, nhà báo và nhà ngoại giao sắc sảo
Đồng chí Lý Văn Sáu là cán bộ cách mạng lão thành, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944, lúc mới tròn 20 tuổi. Sinh thời, với 88 tuổi đời, đồng chí đã có 68 năm hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách trong công tác báo chí và ngoại giao.
Ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương mẫu mực về đạo đức phẩm chất và chuyên môn nghiệp vụ. Ngày ông qua đời (30-4-2012), đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đã xúc động viết: “Anh Lý Văn Sáu sống mãi trong lòng chúng tôi, một người đồng chí, người bạn chí tình và là chiến sĩ vô cùng năng động, sáng tạo trên mặt trận tuyên truyền-báo chí và mặt trận ngoại giao”.
Nói về năng khiếu bẩm sinh của một nhân vật trong lĩnh vực nào đó, người ta thường nói đó là “nghề chọn người”. Đồng chí Lý Văn Sáu là một người như thế. Thật vậy, nghề tuyên truyền-báo chí đã chọn ông ngay từ những ngày đầu ông tham gia cách mạng, bởi ông có tư chất thông minh, được học hành chu đáo, thông thạo nhiều ngoại ngữ và năng động, nhạy bén, sắc sảo trong công tác. Nhiều đồng chí và đồng nghiệp của ông kể rằng, tháng 1-1957, đồng chí Lý Văn Sáu được cử sang Moscow học Trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong đoàn đi không ai biết tiếng Nga. Hồi đó, nền giáo dục nước ta cũng chưa có chế độ bồi dưỡng ngoại ngữ cho lưu học sinh trước khi sang học tập và công tác ở nước bạn. Thế là trong cuộc hành trình gần nửa tháng trên chuyến tàu liên vận từ ga Đồng Đăng sang Trung Quốc rồi sang Liên Xô, đồng chí Lý Văn Sáu đã tranh thủ học tiếng Nga qua giáo trình Pháp văn. Đến khi đặt chân lên đất Nga thì đồng chí đã có thể làm phiên dịch tiếng Nga cho cả đoàn.
Nói về năng khiếu và trình độ ngoại ngữ của nhà báo Lý Văn Sáu, có thể nhắc thêm chuyện năm 1947, khi đang làm chủ bút Báo Thắng (tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay) ở Khánh Hòa, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ông và các đồng sự đã ra thêm một tờ báo tiếng Pháp đặt tên là Le Trait d’Union, nghĩa tiếng Việt là “Gạch nối”. Đây là tờ báo binh vận, làm cầu nối giữa ta và binh lính Pháp, giúp họ hiểu được bản chất chính nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và vạch trần bộ mặt thực dân, kêu gọi họ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược.
Đồng chí Lý Văn Sáu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho xứ Nghệ có truyền thống yêu nước. Thân sinh của đồng chí là cử nhân Nguyễn Trọng Thuần, một trí thức nho học, một vị quan thanh liêm, bạn thân thiết của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Sinh thời, cụ Cử Thuần đã từng bảo vệ, che chở nhiều chiến sĩ cách mạng trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Từ nhỏ, vốn thông minh và hiếu học, cậu bé Nguyễn Bá Đàn-tên khai sinh của đồng chí Lý Văn Sáu-được cha mẹ cho vào Phú Yên theo học bậc tiểu học, sau đó học bậc trung học tại Trường Quốc học Huế và đậu bằng tú tài toàn phần hạng ưu. Thời niên thiếu, chàng trai Nguyễn Bá Đàn đã được những người anh, người bạn đồng môn như Tạ Quang Bửu và Phan Anh giúp đỡ, hướng dẫn, giác ngộ cách mạng. Từ năm 1944, đồng chí đã tham gia hoạt động truyền bá quốc ngữ cho những người dân lao động.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nguyễn Bá Đàn tham gia thanh niên cứu quốc tại thành Diên Khánh-Nha Trang. Vốn năng nổ và sáng tạo, có năng khiếu về tuyên truyền, Nguyễn Bá Đàn được ông Nguyễn Minh Vỹ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Khánh Hòa, giao nhiệm vụ làm Trưởng ty Thông tin (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) tỉnh Khánh Hòa. Tháng 2-1947, Nguyễn Bá Đàn được tổ chức giao nhiệm vụ làm Chủ bút tờ báo Thắng và được kết nạp Đảng. Năm 1949, nhà báo trẻ Nguyễn Bá Đàn nhận công tác ở Liên Khu ủy Khu 5 và được giao chức vụ Phó giám đốc Đài Phát thanh kháng chiến "Tiếng nói miền Nam" của Liên khu 5. Thời kỳ này, ông được gần gũi những đồng chí, đồng nghiệp lớn như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh... Ông đã may mắn được các nhà cách mạng đàn anh dìu dắt để từ một trí thức tân học yêu nước trở thành một cán bộ tuyên truyền, một nhà báo chiến đấu trên mặt trận tư tưởng-văn hóa trong kháng chiến chống Pháp.
Sau này, nhà báo Lý Văn Sáu tiếp tục được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong lĩnh vực tuyên truyền-báo chí, như: Phó giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh-Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng biên tập Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam... Trên cương vị nào, ông cũng để lại ấn tượng tốt về một cán bộ tận tụy, mẫn cán với công việc, luôn quan tâm đến việc rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ và phóng viên. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm nhiều chức vụ thuộc lĩnh vực tuyên truyền-báo chí và ngoại giao, như: Phó trưởng Cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba; Người phát ngôn phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris...
Có thể nói, gần như trọn cuộc đời cách mạng của Nguyễn Bá Đàn-Lý Văn Sáu là dành cho nghề báo và lĩnh vực tuyên truyền-báo chí. Chính những thành công và kinh nghiệm trong công tác báo chí đã hỗ trợ rất đắc lực cho ông trong công tác ngoại giao sau này. Năm 1962, nhà báo Nguyễn Bá Đàn được cử đi Cuba làm Phó trưởng Cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại quốc đảo xã hội chủ nghĩa ở Tây bán cầu này. Từ đây, Nguyễn Bá Đàn chính thức mang tên mới là Lý Văn Sáu. Trong những năm tháng hoạt động ngoại giao ở Cuba, Lý Văn Sáu đã cùng người vợ, người bạn chiến đấu là Ngô Thị Ngọc Ánh góp phần làm cho nhân dân Cuba và nhân dân tiến bộ ở các nước châu Mỹ Latin hiểu rõ đường lối chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và xây dựng tình cảm hữu nghị Việt Nam-Cuba, cũng như với các nước vùng Caribe.
Từ tháng 1-1969 đến 9-1973, đồng chí Lý Văn Sáu là thành viên chính thức, cố vấn và là Người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam và Hội nghị hiệp thương hai bên miền Nam Việt Nam. Trên cương vị công tác này, đồng chí Lý Văn Sáu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, với kiến thức uyên thâm và tư duy sắc bén của một người trai xứ Nghệ, với khẩu khí của một nhà ngoại giao bặt thiệp và một nhà báo tài ba. Trong gần 5 năm diễn ra Hội nghị Paris, trải qua gần 100 cuộc họp báo ở thủ đô Paris và rất nhiều lần đi tiếp xúc ở các diễn đàn đoàn kết với Việt Nam của hơn 40 nước, Người phát ngôn Lý Văn Sáu đã trả lời hàng trăm câu hỏi bất ngờ, hóc búa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao và mặt trận tuyên truyền, góp phần quan trọng vào sự thành công của Hội nghị Paris.
Có thể nói, trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhà báo Lý Văn Sáu đã khẳng định sức mạnh của thông tin, báo chí trong việc tranh thủ dư luận quốc tế, làm cho thế giới hiểu rõ bản chất chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, khiến dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Sau này, trong hồi ký của mình, đồng chí Lý Văn Sáu kể: Khi các cuộc họp tại hội nghị giẫm chân tại chỗ, ông và các cộng sự đã tận dụng thời gian này để mở rộng tiếp xúc với nhiều nhà báo của các nước, trò chuyện, phân tích để họ hiểu về đất nước và nhân dân Việt Nam, về cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Vào những ngày cuối tuần, các ông chia nhau về nhiều địa phương nước Pháp và một số nước châu Âu để nói chuyện với báo chí, với các chính khách, với các tầng lớp nhân dân sở tại và kiều bào ta. Ông và các cộng sự đã lần lượt đi thăm hầu hết các nước Tây Âu và Bắc Âu, tham dự nhiều cuộc mít tinh của quần chúng nhân dân phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, đòi Mỹ rút quân về nước, ủng hộ Việt Nam, ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trong nhiều cuộc mít tinh, hội họp... Và những tiếng hô “Hồ, Hồ, Hồ... Giáp, Giáp, Giáp...” đã vang động trên nhiều đường phố thủ đô của các nước ở châu Âu. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã ghi nhận: “Đồng chí Lý Văn Sáu hoạt động tích cực suốt cuộc đời cho sự nghiệp truyền thông, đặc biệt đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của Hội nghị Paris, vào thắng lợi chung của đất nước”.
Thời gian đồng chí Lý Văn Sáu đang công tác, tôi không có điều kiện để tiếp xúc. Sau này, về nhận nhiệm vụ Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) cũng là lúc ông nghỉ công tác, tôi may mắn được tiếp xúc trò chuyện và nghe những kỷ niệm làm báo ở chiến trường của ông, về công việc quản lý tờ báo và công tác báo chí, tôi càng mến mộ và trân quý cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, nhất là những đóng góp trong sự nghiệp tuyên truyền-báo chí và công tác ngoại giao. Ông say mê làm báo và làm ngoại giao nhân dân cho đến cuối đời. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn tranh thủ cộng tác và viết bài cho nhiều cơ quan báo chí, tham gia các sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm và nghiệp vụ làm báo qua những cuộc tiếp xúc, giao lưu với các nhà báo thế hệ đi sau. Đặc biệt, do mối quan hệ gia đình nên ông dành nhiều sự quan tâm và ưu ái đối với Báo QĐND.
Có thể nói ông là một bạn đọc thường xuyên và “kỹ tính” của Báo QĐND. Nhất là từ khi nghỉ hưu, ông chăm đọc Báo QĐND để theo dõi thông tin thời sự và các vấn đề chính trị, quân sự, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại trên tờ báo chính trị hàng đầu mà ông yêu mến và tin tưởng. Ông rất quan tâm đến Chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội” của Báo QĐND Cuối tuần. Mỗi khi phát hiện những bài hay, vấn đề mới hoặc các lỗi không nên có trên tờ báo, ông đều trực tiếp trao đổi, góp ý với những người có trách nhiệm của tờ báo. Khi tòa soạn đặt ông viết bài, nếu vì điều kiện sức khỏe hoặc lý do nào đó mà ông không thể đáp ứng, ông đều trao đổi rất kỹ với người đến đặt bài các nội dung cần thể hiện, cung cấp thêm tư liệu tham khảo hoặc giới thiệu những người có thể hỏi chuyện, đặt bài...
Sau này, tôi không còn công tác ở Báo QĐND, nhưng được nghe anh em ở Báo QĐND kể lại một chuyện thật xúc động: Khi được biết trang văn nghệ của Báo QĐND Cuối tuần có đăng chùm thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, trong đó có hai bài thơ “Nhà không có bố” và “Nói với con chồng”, ông Lý Văn Sáu đọc chùm thơ và rất thích hai bài thơ này. Ông nói rằng tác giả bài thơ này phải là một phụ nữ rất thông minh, tinh tế và nhân hậu.
Ông gọi điện thoại đến Phòng biên tập Báo QĐND Cuối tuần để hỏi thông tin về tác giả và đã liên lạc với nhà thơ, mời nhà thơ về nhà trò chuyện. Hai bác cháu tâm đầu ý hợp nên chị Mai còn nhiều lần đến thăm ông để hầu chuyện thơ văn, báo chí... Ngày ông Lý Văn Sáu qua đời, chị Nguyễn Thị Mai đang điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng vẫn đến lễ tang đưa tiễn ông về nơi an nghỉ ngàn thu. Hiện nay, chị Mai là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi nhắc lại câu chuyện trên đây như một minh chứng về một bạn đọc, một cộng tác viên đặc biệt của Báo QĐND. Cũng qua câu chuyện này để góp phần hiểu thêm về một góc tâm hồn của nhà cách mạng lão thành, nhà báo và nhà ngoại giao sắc sảo Lý Văn Sáu.
Hà Nội, cuối thu 2024
Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI, nguyên Tổng biên tập Báo QĐND, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, nguyên Phó tổng Thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam