Hình thành, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Phấn đấu trở thành địa phương không chỉ có môi trường kinh doanh tốt mà còn là tỉnh có môi trường sống tốt, thời gian qua, Vĩnh Phúc không ngừng phát huy lợi thế về địa lý, nhân lực; đồng thời linh hoạt thay đổi các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp phù hợp theo từng thời kỳ, chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước, nhằm thu hút đầu tư, phát triển các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp cho phát triển KT-XH trên địa bàn.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, Công ty cổ phần Ngói cao cấp AMADO, KCN Tam Dương II ngày càng phát triển, tạo việc làm cho hơn 200 lao động, thu nhập gần 7 triệu đồng/người/tháng

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, Công ty cổ phần Ngói cao cấp AMADO, KCN Tam Dương II ngày càng phát triển, tạo việc làm cho hơn 200 lao động, thu nhập gần 7 triệu đồng/người/tháng

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra phương hướng phát triển chung: “Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, nhất là đối với công nghiệp, sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định, vững chắc sau năm 2000, thu hẹp khoảng cách so với bình quân chung của cả nước, chuyển nền kinh tế theo hướng cơ cấu công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ, phát huy tiềm lực của các thành phần kinh tế để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh…”.

Từ đó đến nay, nhiều khóa Đại hội Đảng bộ tỉnh đều kiên định chủ trương lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, xác định công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy KT-XH trên địa bàn.

Hiện thực hóa mục tiêu trên, cùng lợi thế, tiềm năng sẵn có, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào phát triển công nghiệp, phát huy tốt tiềm lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), tranh thủ có hiệu quả sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương để thực hiện nhiều biện pháp phát triển khu công nghiệp (KCN) phù hợp, đảm bảo sự đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình hạ tầng xã hội…

Đặc biệt, không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với định hướng và tình hình phát triển mới của tỉnh.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Vĩnh Phúc luôn kịp thời có những chủ trương, quyết sách nhằm ứng phó nhanh, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong từng thời điểm cụ thể.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho nhân dân và cộng đồng DN trong tỉnh, ưu tiên tiêm phủ vắc xin cho 100% người lao động trong các KCN; hỗ trợ, đồng hành cùng DN trong các hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa, xuất nhập cảnh, đưa đón công nhân ngoài tỉnh, chuyên gia; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị, các khó khăn, vướng mắc của DN do ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Từ hiệu quả thu hút đầu tư, công nghiệp đã trở thành động lực để Vĩnh Phúc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 1997-2021 tăng 13,44%/năm, trong đó công nghiệp tăng 21,4%/năm đưa số thu ngân sách của tỉnh từ 100 tỷ đồng (năm 1997) lên trên 32.500 tỷ đồng (năm 2021), đứng tốp đầu cả nước về thu nội địa và là một trong các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương.

Riêng 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 20,9 % so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp IIP ghi nhận mức tăng 2 con số so với cùng kỳ và cũng là tháng có chỉ số IIP tăng cao nhất từ đầu năm 2022, dù ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, thiên tai. Điều này, khẳng định sự phục hồi rõ nét trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sau đại dịch.

Có mặt tại Công ty TNHH BH Flex Vina, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) những ngày này, chúng tôi nhận thấy không chỉ quy mô nhà xưởng của công ty được đầu tư, mở rộng mà công nhân, thiết bị máy móc cũng tăng lên.

Đại diện công ty chia sẻ: Công ty TNHH BH Flex Vina là dự án công nghệ cao thuộc lĩnh vực điện tử duy nhất đầu tư trong KCN trên địa bàn với 100% vốn đầu tư trực tiếp Hàn Quốc. Khi mới hoạt động (năm 2013), công ty có tổng số vốn đầu tư 3 triệu USD, chuyên sản xuất, gia công và kinh doanh các mặt hàng linh kiện điện tử và tấm mạch in mềm (FPCB).

Đến năm 2016, công ty tăng vốn đầu tư thêm 13,7 triệu USD, vốn điều lệ thêm 9,2 triệu USD để nhập khẩu thêm máy móc thiết bị, mở rộng nhà xưởng sản xuất, quy mô sản xuất. Đến nay, tổng vốn đầu tư của công ty lên 61 triệu USD, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao của các khách hàng.

Hiện, công ty đang tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, thu nhập trung bình khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của công ty luôn đạt kế hoạch đề ra.

Giai đoạn 2011-2020, ngoài các chính sách hỗ trợ của nhà nước, Vĩnh Phúc đã ban hành một số cơ chế, chính sách của địa phương nhằm ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó có ưu tiên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như Nghị quyết số 57/2016/HĐND về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn; Nghị quyết số 89/2019/HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ giai đoạn 2020 – 2025; Chương trình hành động số 84 của Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 105 thực hiện Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án chất lượng, chưa có DN lớn, giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt các DN công nghệ cao; sự liên kết, hợp tác lẫn nhau giữa các KCN, các DN trong KCN chưa nhiều. Hiện, các KCN mới chỉ thu hút được 1 dự án công nghệ cao thuộc lĩnh vực điện tử với 100% vốn đầu tư Hàn Quốc đó là Công ty TNHH BH FLex Vina.

Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh trong công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, phát triển các KCN mới, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, hàm lượng tri thức cao, bắt kịp với xu thế toàn cầu, đảm bảo khai thác tốt các lợi thế tiềm năng của tỉnh, phù hợp xu hướng phát triển của Cuộc cách mạng 4.0, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh và cả nước. Phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và cả nước.

Bài, ảnh Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78534/hinh-thanh-phat-trien-cong-nghiep-cong-nghe-cao-than-thien-voi-moi-truong.html