Hình tượng phụ nữ Việt trong thơ thời hoa lửa

Tổ quốc Việt Nam ghi công những người mẹ làm nên sức mạnh Việt Nam, tương lai Việt Nam! Tổ quốc cũng ghi công các nhà thơ đã sáng tạo một khái niệm thi vị và chính xác: Mẹ Tổ quốc!

Trong chiến tranh thì người hy sinh đầu tiên và lớn lao nhất là người mẹ. Nhà thơ Nam Hà đã nói lên điều ấy bằng thơ: “Đất nước/ Của những người mẹ/ Hạt lúa củ khoai/ Bền bỉ nuôi chồng con chiến đấu” (Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!). Mẹ gánh cả hai vai nỗi tảo tần vất vả thay chồng một nắng hai sương nuôi con. Mẹ nuốt vào lòng nỗi đau, nỗi nhớ chồng con đang giáp mặt với cái chết. Người ra trận mang tình mẹ trong hành trang đánh giặc, “đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Tháng 3-1969, trên đường hành quân, anh bộ đội Bế Kiến Quốc thấy những người mẹ trồng cây liền bật ra tứ thơ, cũng là tên bài Mẹ trồng cây trên đường ra tiền tuyến: “Con đường đi mãi nên quen/ Bao nhiêu lòng mẹ hai bên theo cùng”. Mẹ trồng cây che mát các con, nhưng che mắt kẻ thù. Bóng cây cũng là bóng mẹ.

Người mẹ trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hai lần anh hùng. Mẹ nuôi con trong cảnh thời chiến vô cùng thiếu thốn, gian nan. Mẹ còn giúp bộ đội và trực tiếp đánh giặc: “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ/ Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng/ Mẹ địu em đi để đánh trận cuối/ Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường/ Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn” (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ). Em cu Tai lớn lên theo bước chân mẹ, nhưng không phải đánh giặc nữa, mà thành người công dân của nước tự do làm giàu cho xứ sở.

Người vợ vùng rẻo cao trong thơ Lâm Tiến dồn hết nỗi nhớ thương chồng vào sản xuất. Người chồng nơi tiền tuyến thấu hiểu tấm lòng ấy: “Thầm lòng anh bảo vợ/ Mình ơi xua cái nhớ/ Ra hết đôi bàn tay/ Rải dày trên nương bắp/ Hạt lúa mang cái nhớ/ Đến với chồng phương xa” (A Súa nhớ vợ).

Đất nước có giặc nên gia đình cũng không trọn vẹn. Bố mẹ đi xa, bà ở nhà chăm cháu: “Mẹ cùng cha công tác bận không về/ Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.../ Rồi sớm chiều lại bếp lửa bà nhen/ Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng” (Bếp lửa-Bằng Việt). Hình tượng bếp lửa ấy sẽ bập bùng cháy mãi tới mai sau để tỏa ấm tình thương người bà, người mẹ. Còn tỏa ra một ánh sáng chân lý: Có những con người giàu tình thương và niềm tin, ý thức cao về trách nhiệm và bổn phận, đất nước mình sẽ vượt qua bất kỳ khó khăn nào để vươn tới đài vinh quang, hạnh phúc!

Những người trẻ hôm nay vui đến trường học mơ tới những chân trời mới chứa chan hy vọng. Họ được thế là nhờ thế hệ trước, những người anh, người chị hy sinh tuổi trẻ, hy sinh máu xương để giành độc lập: “Hòm đạn trên lưng nặng trĩu đôi vai/ mà lòng em như con suối mát/ tắm cả trời mây núi rừng bát ngát/ em đi theo cánh chim bay/ không quản đêm ngày mưa dầm gió bấc/ em đi mang cuộc đời đất nước/ mỗi bước em là mỗi bước mùa xuân” (Cô gái Cà Tu). Những câu thơ rất thật và cũng rất mơ mộng được nhà thơ Ngân Vịnh viết tại chiến trường vào tháng 1-1968. Những ý thơ ấy sẽ làm hành trang cho thanh niên hôm nay học tập và cống hiến: “Em đi mang cuộc đời đất nước/ Mỗi bước em là mỗi bước mùa xuân!”.

Người phụ nữ Việt anh hùng và hy sinh, nhẫn nại, kiên trung và rất nồng nàn, cao thượng trong tình yêu. Đây là vẻ đẹp đậm chất lý tưởng của người con gái tiễn người yêu ra trận trong Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ): “Chiếc áo đỏ rực như than lửa/ Cháy không nguôi trước cảnh chia ly.../ Và rạng đông đã bừng trên nét mặt/ Một rạng đông với màu hồng ngọc...”. Bài thơ như sáng lên bởi hình ảnh những gam màu đỏ: Đỏ rực, than lửa, cháy, rực cháy, nóng bỏng, sáng ngời, bình minh, rạng đông, hồng ngọc. Không đơn thuần là màu sắc đỏ nữa mà là màu của lý tưởng, màu của niềm tin cách mạng, màu của thủy chung.

Tiếng thơ tình yêu thời chống Mỹ giàu tính sử thi với ý nghĩa của sự nhiệt tình, thủy chung, son sắt. Hình tượng “mặt trời”, “hoa mặt trời” trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn mang ý nghĩa ấy: “Dù bão lớn có làm nghiêng Trái đất/ Thì mặt trời vẫn mọc giữa lòng ta” (Những người yêu); “Nhớ lời anh dặn/ Dù gió mưa thét gào/ Dịu mềm mà rắn rỏi/ Hoa mặt trời vươn cao” (Hoa mặt trời).

Hình tượng “sóng” trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh là ẩn dụ cho một cái tôi nữ giới đầy trăn trở, khắc khoải. Hình như cả trời đất này mới có một tình yêu sâu sắc, da diết và mãnh liệt như thế: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”.

Cặp tình nhân trong Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm nói thay bao cặp nhân tình khác nhắn nhủ nguyện thề gắn bó: “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời”. Đọc những câu thơ ấy, ai cũng thấy chiến thắng đang đến rất gần bởi có những con người nhập thân vào đất nước. Coi đất nước là xương máu thì họ sẵn sàng hy sinh xương máu mình vì đất nước. Đây là những câu thơ của một thời, mang tinh thần của một thời nhưng sẽ sống ở nhiều thời. Nó sâu sắc, thấm thía về đạo lý yêu nước Việt, cũng là chân lý thời đại: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!

Niềm tin là cơ sở thứ nhất của tình yêu, tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu vượt qua mọi thách thức, mà chiến tranh là thách thức lớn nhất. Những tâm hồn trong trẻo sẽ giúp con người thắng đạn bom: “Bao năm rồi đánh Mỹ/ Lòng tin vẫn y nguyên/ Đạn bom không xóa được/ Nét mùa xuân hồn nhiên” (Tiếng mùa xuân-Lâm Thị Mỹ Dạ). Một trong những lý giải có sức thuyết phục về nguyên nhân thắng Mỹ là người Việt Nam rất giàu niềm tin. Có niềm tin là có tất cả: “Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất/ Nhưng thủy chung như một sắc mai già/ Đôi mắt mở to, dịu dàng thấm mát/ Sau rất nhiều gian khổ đi qua” (Tình yêu và báo động-Bằng Việt). Tình yêu thường đi liền với những dự cảm, băn khoăn. Vì dễ hiểu, tình yêu là sự trao gửi, là hiến dâng. Khi đã yêu nhau thì mong muốn về nhau là làm người tốt lành: “Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em chăm chút đời anh/ Anh ơi anh có biết không/ Vì anh em buồn biết mấy/ Tình yêu khắt khe thế đấy/ Anh ơi anh đừng khen em” (Anh đừng khen em-Lâm Thị Mỹ Dạ). Ở thời hôm nay chúng ta lại ước ao có được những mối tình trong sáng, thiêng liêng và vị tha đến tận cùng như vậy!

Tình yêu thời ấy không ồn ào như trước đó và sau này, chỉ cần nhìn nhau và... im lặng: “Họ ngồi im không biết nói năng chi/ Mắt chợt nhìn nhau rồi lại quay đi/ Nào ai đã một lần dám nói/ Hương bưởi thơm cho lòng bối rối” (Hương thầm-Phan Thị Thanh Nhàn). Ngày mai gặp gỡ cũng vẫn như vậy: “Khi trở về anh hãy nắm tay em/ Ta im lặng đi dọc hè nắng trải” (Từ Khâm Thiên-Phan Thị Thanh Nhàn). Im lặng bởi sự hòa nhập gần như tuyệt đối!

Hình tượng người phụ nữ Việt trong thời hoa lửa ấy trở thành tài sản văn hóa quý giá của dân tộc!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hinh-tuong-phu-nu-viet-trong-tho-thoi-hoa-lua-611545